FIDT nhận định
Thông báo kết quả từ Hệ thống quản trị Rủi ro (RMS) - 02/07/2023
Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 41.38% (giảm so với tuần trước).
Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu với tỷ trọng 50-60% trong danh mục đầu tư.
Hệ thống RMS tuần này đưa ra mức cảnh báo rủi ro giảm nhẹ:
Các yếu tố vĩ mô đã tiếp tục sáng hơn tạo động lực cho thị trường.
Về yếu tố kỹ thuật (TA) thị trường có thể tiếp tục đà giảm của 2 phiên cuối tuần và nhanh chóng cân bằng tại vùng hỗ trợ MA20.
FIDT cho rằng xu hướng thị trường trong tuần sẽ biến động chủ yếu theo dòng tiền phía cầu khi thị trường giảm điểm nhưng thanh khoản thấp (thấp nhất 37 phiên), sự phân hoá giữ các nhóm ngành sẽ diễn ra ngay khi đà bán giảm bớt trong tuần.
Đánh giá rủi ro trong tháng 7, FIDT cho rằng những vấn đề đáng lo ngại nhất đối với nền kinh tế và thị trường đầu tư đã qua đi. Chúng tôi tin rằng, sự hậu thuẫn về mặt chính sách và lãi suất điều hành là 2 yếu tố chính giúp chị trường có thể quay về mức rủi ro thấp trong giai đoạn tới.
Vĩ mô quốc tế
Bối cảnh lạm phát và chính sách toàn cầu
Nhìn chung, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trên toàn cầu tuy nhiên mức độ lạm phát vẫn cao hơn kỳ vọng của các NHTW và có sự phân hóa, trong đó một số quốc gia lạm phát không còn đáng lo ngại như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc; một số quốc gia lạm phát đã giảm đáng kể từ vùng đỉnh như Ấn Độ, Mỹ, Canada, một số quốc gia vẫn cần nhiều nỗ lực chống lạm phát như Anh, các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro, hay Philippines ở Đông Nam Á.
Các nước phát triển
Với bối cảnh lạm phát vẫn còn trên mức kỳ vọng thì đa phần các NHTW ở các nước phát triển vẫn còn khá “diều hâu” trong các phát biểu với việc EU và Anh sẽ tiếp tục nâng lãi suất để đối phó lạm phát còn cao ở khu vực này. Ở Mỹ, lạm phát có phần tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt được mức mong muốn của Fed, theo đó gần đây Fed phát tín hiệu có thể nâng thêm 2 lần 0.25% nữa tuy nhiên còn phụ thuộc vào data sắp tới.
Chính sách tiền tệ diều hâu của các quốc gia này tuy cần thiết nhưng hậu quả khó lường do độ trễ của chính sách tiền tệ rất khó ước lượng và rủi ro được thế giới quan tâm hiện tại đang dần tập trung vào nguy cơ suy thoái và mức độ suy thoái.
Trung Quốc
Sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid nghiêm ngặt, Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu vào 2 lĩnh vực là sản xuất và tiêu dùng, có một phần bỏ lơ lĩnh vực đóng góp hơn 20% vào GDP là Bất động sản. Tuy nhiên, hai lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng nhanh chóng giảm nhiệt tăng trưởng và nguy cơ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc là không bền vững.
Do đó, chính sách tiền tệ của TQ hiện đang liên tục mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế với việc liên tục hạ các lãi suất điều hành và “bơm” thanh khoản dư thừa cho hệ thống ngân hàng. Hiện giới đầu tư đang hướng sự tập trung vào các biện pháp hỗ trợ cho thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ được thông qua trong cuộc họp Bộ Chính Trị (Politburo) của Trung Quốc vào tháng 7 này.
Tác động đến Việt Nam
Với các phân tích trên, FIDT đánh giá các yếu tố bên ngoài vẫn là tương đối khó khăn với Việt Nam trong nửa sau 2023 do độ mở nền kinh tế lớn.
Đây là giai đoạn gần đỉnh lãi suất của Fed và nguy cơ suy thoái cần phải theo dõi kỹ, với các data và đánh giá gần đây nhất thì nguy cơ suy thoái đã giảm so với các đợt đánh giá hồi tháng 3. Nếu theo dự phóng này thì tác động đến Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tiêu cực trong nửa cuối 2023 nhưng sẽ hồi phục sớm từ đầu năm 2024.
Câu chuyện Trung Quốc thì còn phụ thuộc vào chính sách sau cuộc họp tháng 7 tới nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn cho sự phục hồi ngành BĐS và nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023.
Đây là giai đoạn “nút thắt” của các nền kinh tế lớn nên FIDT sẽ liên tục theo dõi đánh giá trong các báo cáo hàng tháng. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phản ứng mạnh hơn với các diễn biến trong nước và có thể chú ý nhiều hơn tới yếu tố quốc tế vào đầu quý 4 khi các tác động chính sách đến kinh tế của các nước dần rõ hơn.
Vĩ mô Việt Nam
Lãi suất và thị trường chứng khoán
Câu chuyện hiện tại ở Việt Nam là lãi suất điều hành và lãi suất huy động liên tục giảm, đặc biệt là từ tháng 4 đến nay. Điều này được cho là có sự tác động lớn giúp cho sự phục hồi mạnh mẽ của VnIndex trong quý 2.
FIDT đi sâu vào phân tích các mối liên hệ giữa lãi suất điều hành, lãi suất huy động trong lịch sử và sự biến động của chỉ số VNIndex.
Kết quả ban đầu cho thấy có mối liên hệ rất rõ trong những lần lãi suất điều hành hay lãi suất huy động bắt đầu giảm và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán.
Nếu chia các giai đoạn chính sách ra thành (1) giai đoạn lãi suất tăng mạnh (màu đỏ) (2) giai đoạn lãi suất giảm mạnh (màu xanh) (3) giai đoạn lãi suất ổn định (màu vàng); biến động của VNIndex trong các thời kỳ này được FIDT nhận diện như sau:
Từ đó FIDT đưa ra nhận định
VNIndex thường phục hồi và tăng tốt trong các giai đoạn lãi suất giảm mạnh
VNIndex thường phản ứng tiêu cực trong những giai đoạn lãi suất tăng nhanh
VNIndex thường tăng trưởng bền vững trong dài hạn khi lãi suất ổn định kéo dài
Dù trong thời kỳ tăng trưởng tốt nhưng VNIndex dễ gặp rủi ro khi định giá thị trường quá cao
Thời của chính sách
Chính sách là chủ đề vẫn chưa hết "hot" kể từ tháng 4 đến nay. Và trong tháng 6 vừa qua đã có tiếp tục thêm 3 chính sách mới được ban hành bao gồm:
NHNN hạ lãi suất điều hành lần 4
Chính phủ ban hành Nghị định 35/2023/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ xây dựng
Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
NHNN ban hành thông tư 06/2023/TT-NHNN nhằm sửa đổi một số quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng
Chi tiết nhận định về mỗi chính sách đã được FIDT phân tích tại Báo cáo tháng 7.
Tại báo cáo tháng 7, FIDT đặc biệt chú ý đến 3 ngành có câu chuyện riêng và tiềm năng đáng đầu tư trong nửa cuối 2023 gồm Chứng khoán, Đầu tư công và Dầu khí.
Danh mục báo cáo tháng 7
Trước bối cảnh vĩ mô sáng cửa và nhận được sự ủng hộ liên tục từ chính sách, trong nửa cuối 2023 thị trường sẽ có rất nhiều cơ hội tốt để đầu tư nhất là đối với những cổ phiếu thuộc ngành tiềm năng mà FIDT đã phân tích.
Tuy nhiên, ở thời điểm xuất bản báo cáo chúng tôi cho rằng vẫn chưa thích hợp để giải ngân mua mới do thị trường nói chung và cổ phiếu nói riêng vẫn còn ở vùng chưa phù hợp.
FIDT sẽ chủ động thêm cơ hội đầu tư vào danh mục báo cáo sau khi đánh giá lại những yếu tố then chốt đáng quan tâm trong tháng.
Về hiệu suất của danh mục, trong tháng 6 (tính từ 01/06), danh mục theo Báo cáo của FIDT vẫn có lãi 6.9% và cao hơn mức 4.2% của Vnindex cùng kỳ.
Hiệu suất từ khi FIDT ra danh mục theo Báo cáo chiến lược đạt 32.2% (vượt trội so với mức tăng của Vnindex cùng thời kỳ là 13.7%).
Chi tiết về báo cáo tháng 7, Quý anh chị Nhà đầu tư vui lòng tham khảo tại file đính kèm bên dưới.
Lưu ý nhà đầu tư
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance
Comentarios