FIDT nhận định
Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 41.13% (không đổi so với tuần trước đó).
Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu với tỷ trọng 50-60% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.
Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.
Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.
Vĩ mô quốc tế
Lạm phát của năm 2023 được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt.
Với việc:
(1) Các yếu tố liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ hạ nhiệt nhờ Trung Quốc mở cửa.
(2) Các chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu đang dần tác động đến nhu cầu.
FIDT cho rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt dần trong năm 2023 và từ giữa 2023 lạm phát sẽ dần không còn là mối quan tâm hàng đầu của các Ngân hàng Trung ương và người dân như hiện nay.
Lãi suất: Với triển vọng lạm phát hạ nhiệt, FIDT cho rằng chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu sẽ dần trung lập và các đợt tăng lãi suất sẽ ít đi hẳn từ quý 2/2023.
Do đó, mối quan tâm toàn cầu đầu năm 2023 có thể vẫn xoay quanh câu chuyện lạm phát và Fed tăng lãi suất, nhưng từ giữa 2023 mối quan tâm có thể xoay chuyển sang nguy cơ suy thoái và các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế bắt đầu sẽ phải được tính đến.
Vĩ mô Việt Nam
1. Tăng trưởng GDP được Quốc hội giao mục tiêu 6.5% trong năm 2023
Như đã phân tích trước đây, mức tăng trưởng GDP ấn tượng 8.02% của năm 2022 nhờ chủ yếu vào sự phục hồi mạnh mẽ của cấu phần dịch vụ do nhu cầu dồn nén trong dịch.
Với triển vọng Vĩ mô quốc tế và trong nước đã được FIDT đánh giá trong Báo cáo chiến lược 2023 thì mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6.5% là tương đối thách thức vì:
Công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nhiều bởi nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu sau chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường BĐS trong nước đang "nguội lạnh".
Dịch vụ sau đà phục hồi mạnh mẽ 2022 do nhu cầu dồn nén thì với mức nền cao của 2022, tăng trưởng 2023 khó duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chưa kể đến tác động của lãi suất cao và thu nhập khả dụng bị ảnh hưởng khi làn sóng "sa thải" nhân viên đã bắt đầu từ các tháng cuối 2022.
Do đó, FIDT đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP 6.5% là thách thức nhưng có thể thực hiện được với sự dẫn dắt của Chính phủ. Với nhà đầu tư thì 2 yếu tố trên là Đầu tư công và Chính sách tiền tệ sẽ là động lực thị trường.
Tuy mục tiêu có nhiều thách thức, FIDT cho rằng mục tiêu này vẫn có thể đạt được nhờ nỗ lực từ Chính phủ khi dư địa đầu tư công năm 2023 là rất lớn và dư địa của chính sách tiền tệ.
Thứ 1 là đầu tư công đang ách tắc và ngân sách đang thặng dư (nguồn đã có). Nếu Chính phủ có thể thực hiện kế hoạch đầu tư công mạnh mẽ là "1 cú hit mạnh" đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Đầu tư công sẽ góp phần tăng tốc độ cấu phần Xây dựng và với hệ số lan tỏa mạnh mẽ, Đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng các cấu phần khác của GDP.
Thứ 2 là dư địa Chính sách tiền tệ, hiện chính sách tiền tệ Việt Nam đang thắt chặt nên dư địa cho 2023 là có khi tỷ giá và lãi suất ổn định, đặc biệt là nếu lạm phát được kiểm soát đủ tốt. Nếu chính sách tiền tệ phối hợp nhịp nhàng với Chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ rất lớn cho tăng trưởng.
Với nhà đầu tư thì 2 yếu tố trên là Đầu tư công và Chính sách tiền tệ sẽ là động lực lớn cho thị trường 2023.
2. Mục tiêu lạm phát CPI trung bình 2023 ở mức 4.5%
Năm 2022 khép lại với lạm phát CPI cuối kỳ tăng 4.55%, đây là nỗ lực rất lớn trong kềm chế lạm phát của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Nhìn vào hình trên thì từ 2021 đến giữa 2022, chi phí xăng dầu luôn gây áp lực lớn cho CPI nhưng từ cuối Q3/2022 thì giá nhiên liệu đã không còn là áp lực.
Giai đoạn cuối năm 2022 chứng kiến áp lực lạm phát chủ yếu từ:
(1) cấu phần lương thực thực phẩm vốn tăng rất thấp trong 2 năm đại dịch và
(2) cấu phần nhà ở và VLXD chứng kiến mức đóng góp vào tăng CPI lớn nhất trong hơn 10 năm nay.
Áp lực trong 2023 của 2 cấu phần này sẽ hạ nhiệt:
(1) Chi phí logistics, phân bón, thức ăn gia súc hạ nhiệt, FIDT cho rằng áp lực áp lực tăng giá lương thực thực phẩm 2023 sẽ hạ nhiệt
(2) Thị trường BĐS đang "nguội" và thị trường việc làm suy yếu sẽ khiến áp lực giá chi phí nhà ở và VLXD sẽ giảm dần từ giữa 2023.
Tuy nhiên, giá nhiều dịch vụ thiết yếu do nhà nước kiểm soát đã hỗ trợ người dân và nền kinh tế trong đại dịch, đặc biệt là giá điện có thể tăng trong giai đoạn đầu 2023. Giá điện có sức lan tỏa rất lớn đến hầu hết các hàng hóa, dịch vu trong nền kinh tế nên áp lực từ giá điện trong lạm phát chung 2023 là tương đối lớn.
Với tác động đan xen phân tích trên, chúng tôi cho rằng mục tiêu lạm phát trung bình 4.5% cho năm 2023 là hợp lý và có thể đạt được.
3. Tỷ giá được kỳ vọng sẽ ổn định trong năm 2023
Năm 2022 khép lại với tỷ giá tăng khoảng 3.5%, áp lực tỷ giá giảm rõ rệt từ cuối tháng 11/2022.
Về triển vọng năm 2023, FIDT cho rằng tỷ giá sẽ ổn định với Cán cân thanh toán và dự trữ Ngoại hối sẽ cải thiện.
4. Định giá thị trường
Năm 2022 khép lại với các mức định giá của Vn-Index thấp trong lịch sử, định giá P/E ở quanh mức -2 độ lệch chuẩn và định giá P/B dưới -1 độ lệch chuẩn.
Chúng tôi cho rằng đây là 1 động lực lớn cho thị trường năm 2023 vì những cơ hội tốt nhất đều sinh ra trong những giai đoạn khó khăn nhất.
FIDT nhận định thị trường sẽ vẫn còn nhiều biến động đầu năm 2023 nhưng theo hướng dần phục hồi nhờ vào định giá rẻ và là cơ hội tích lũy tài sản cổ phiếu.
Lưu ý nhà đầu tư
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance
Comments