FIDT nhận định
Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 46.69% (tăng cao từ 49.25% của tuần trước).
Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu 30-50% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.
Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.
Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.
Vĩ mô quốc tế
Tình hình thế giới hiện tại vẫn chưa có nhiều điểm sáng khi liên tục xuất hiện các tin tức về lạm phát cao và quan điểm của các NHTW vẫn còn "diều hâu" trong kế hoạch nâng lãi suất.
Chỉ số giá PCE vốn là thước đo được Fed dùng khi quyết định các chính sách đã tăng trở lại 0.6% so với tháng 7 (lạm phát lõi tăng 0.3%). Về cấu phần thì giá cả hàng hóa tiếp tục giảm 0.3%, lạm phát chủ yếu do dịch vụ tăng lên 0.6% trong tháng 8/2022.
Tại khu vực sử dụng đồng Euro thì lạm phát tháng 9/2022 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1.2% so với tháng 8/2022. Từ đó, cho thấy tình hình lạm phát ở khu vực vẫn đang rất nóng.
Với các thông tin lạm phát chưa hạ nhiệt và việc nâng lãi suất trên phạm vị toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra đang phản ánh tiêu cực lên các lớp tài sản cổ phiếu và trái phiếu.
Với việc lãi suất tiếp tục tăng thì sự mất giá của trái phiếu có thể dẫn đến thua lỗ cho các bên nắm giữ, hình trên là lợi suất khi nắm giữ trái phiếu "Blue-chip" ở Mỹ.
Theo nguồn tin của Bloomberg, tính toán trên phạm vị toàn cầu của 2 lớp tài sản cổ phiếu và trái phiếu thì giá trị thị trường của 2 lớp tài sản này đã mất 36 nghìn tỷ USD trong vòng 9 tháng đầu năm.
FIDT nhận định, thị trường quốc tế chưa có điểm sáng và nguy cơ suy thoái được đánh giá là khá cao. Tuy nhiên, dòng tiền cũng đã rút nhiều khỏi các lớp tài sản rủi ro để phòng thủ. Từ nay đến 1H.2023 thì chính sách tiền tệ còn có thể tiếp tục thắt chặt trên phạm vi toàn cầu và đây chưa phải môi trường thuận lợi cho các lớp tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Vĩ mô Việt Nam
Vào tuần qua, các thông tin liên quan đến kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm đã được công bố. Trong đó, thông tin đáng chú ý nhất là về tăng trưởng GDP Việt Nam.
Với việc tăng trưởng GDP Q3.2022 là 13.67% so với Q3.2021 là số liệu ấn tượng, vượt kỳ vọng của các bên lạc quan khi được dự báo là tăng khoảng 11-13%, so với quý liền trước đó. Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng 1.83%. Nếu không có gì quá bất lợi trong giai đoạn cuối năm, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng trên 8% so với 2021.
Về lạm phát
CPI tháng 9 tăng 3.94% so với cùng kỳ (tăng 0.4% so với tháng trước), trong đó đáng chú ý là giáo dục tăng 8.37% so với cùng kỳ (tăng 5.84% so với tháng trước).
Hiện tại chính phủ và NHNN đang điều tiết vĩ mô và kiềm chế lạm phát rất tốt nên lạm phát năm 2022 của Việt Nam vẫn được dự báo sẽ kiểm soát tốt so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, áp lực 2023 vẫn còn khá lớn.
Về giải ngân vốn đầu tư công
Tính đến hết Qúy 3, tổng vốn đầu tư công đạt 58.7% so với kế hoạch năm, tuy tỷ lệ đạt thấp hơn so với kế hoạch nhưng so với cùng kỳ năm 2021 thì tổng vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước tăng 19.5%.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI
Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh tính đến 20/9/2022 đạt hơn 15 tỷ USD, trong đó Bình Dương, TP.HCM, Bắc Ninh là 3 tỉnh đứng đầu về thu hút vốn FDI trong 9 tháng đầu năm. Thu hút vốn FDI vẫn là động lực lớn của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn và trung hạn, đem đến tiềm năng cho các doanh nghiệp phát triển Khu công nghiệp tại các địa phương thu hút tốt vốn FDI.
Về xuất nhập khẩu
Vào tháng 9/2022, Việt Nam có giá trị xuất siêu đạt 1.14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 6.52 tỷ USD, đây là một con số ấn tượng khi cùng kỳ 9 tháng 2021, Việt Nam nhập siêu 3,44 tỷ USD.
Về thị trường thì hiện Mỹ, Trung Quốc, EU là các thị trường xuất khẩu lớn của hàng hóa Việt Nam. Do đó, triển vọng kinh tế của các quốc gia/khu vực sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu trên sàn.Trước tình hình triển vọng kinh tế, các khu vực này còn nhiều rủi ro.
FIDT cho rằng các nhóm xuất khẩu hàng hóa không thiết yếu (như nội thất, vật liệu xây dựng, dệt may) vẫn chưa có điểm sáng.
Về định giá thị trường chứng khoán
Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng trên thế giới nhưng áp lực lên tỷ giá, lãi suất và lạm phát là rất lớn. Với những giai đoạn rủi ro và lợi nhuận tương lai các doanh nghiệp khó dự báo thì định giá theo P/B sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn là P/E.
Xét theo định giá P/B thì VnIndex đã về biên -1 độ lệch chuẩn, điều này không khẳng định VNIndex đã tạo đáy và thị trường hoàn toàn có thể giảm thêm. Tuy nhiên, với triển vọng kinh tế Việt Nam sáng trong trung hạn và định giá ở mức tương đối rẻ là cơ hội giải ngân dần vào các vị thế đầu tư trung và dài hạn.
Về tiềm năng của thị trường trong trung và dài hạn, các anh/chị có thể xem lại trên website của FIDT tại đây.
Lưu ý nhà đầu tư
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance
Comments