top of page

Báo cáo tuần 05.09 - 09.09.2022

FIDT nhận định


Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 41.69% (tăng hơn 6% so với tuần trước). Mức độ rủi ro tăng phản ánh các rủi ro từ thị trường quốc tế, động lượng và TA giảm.


Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu 50-60% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.


Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.

Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.

 

Tình hình vĩ mô quốc tế


Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Vào thứ 6 vừa qua, Mỹ thông báo tiếp tục thực hiện chính sách thuế quan đối với Trung Quốc từ thời Trump để lại vì sự chia rẽ của chính quyền Biden và hơn 350 doanh nghiệp Mỹ đề nghị tiếp tục duy trì chính sách. Ông Joe Biden đã thất bại với ý định bỏ chính sách thuế quan đang áp vào hàng hóa Trung Quốc nhằm đối phó với áp lực lạm phát.



Chú thích:

(1) cột màu trắng + chữ đen là thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa TQ

(2) cột và chữ màu cam là thuế quan TQ áp vào hàng hóa Mỹ


Việc tiếp tục duy trì thuế quan đối với hàng hóa TQ của Mỹ giúp hàng hóa xuất khẩu các nước khác tiếp tục được hưởng lợi khi xuất vào Mỹ, đặc biệt Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất.


Tình trạng thất nghiệp tại Mỹ: Mỹ vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 8 là 3.7%, tăng so với mức 3.5% tháng 7/2022 và cao hơn kỳ vọng 3.6%.


Mức thất nghiệp này vẫn là mức thất nghiệp thấp trong lịch sử và Fed sẽ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ như ông Powell đã phát biểu trước đó.


Về Trung Quốc: Hiện tại phía TQ tiếp tục lockdown một số vùng và test cộng đồng sau khi số ca nhiễm tăng trở lại, việc này có thể tiếp tục gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nếu kéo dài lâu.



Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tiếp tục hạ nhiệt: Tổ chức nông lương thế giới (FAO) công bố giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 8, đây là tháng thứ 5 giảm liên tiếp.




Giá hàng hóa các ở hầu hết mặt hàng tiếp tục hạ nhiệt.


Áp trần giá dầu và khí của Nga: G7 vừa qua đồng ý sẽ áp giá trần lên giá xuất khẩu dầu và khí của Nga. Về phía Nga đã thề rằng sẽ hạn chế bán cho các quốc gia tuân thủ giá trần này.


Việc này cần G7 thỏa thuận và thành lập liên minh và lôi kéo các nước cùng tham gia để đạt được mục đích nên trước mắt ảnh hưởng chỉ mang tính chất tâm lý. Chúng ta cần quan sát thêm các nước đi sắp tới của các bên.


Tuy nhiên, việc áp giá trần và Nga dừng cung cấp khí đốt để trả đũa sẽ gián 1 đòn mạnh vào vấn đề năng lượng của EU.



Để đạt được điều này EU cần thay thế nguồn cung cấp điện từ các nhà máy điện khí (màu vàng) và nhập khẩu lượng lớn LNG từ các bên khác, khả năng sẽ làm tăng giá khí.


Tình hình vĩ mô Việt Nam


Không có thay đổi nhiều, thị trường trông đợi vào câu chuyện mở room tín dụng và Nghị định 153 được thông qua tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển.


Về room tín dụng: Hiện nay đang có tin đồn: VCB 3%, MBB-HDB 5%, VPB 3.3%, các ngân hàng còn lại 1-2% sẽ sớm được công bố và tin đồn này được nhiều bên tin tưởng xác nhận xác suất cao.


Về Nghị định 153: đang được gấp rút thông qua để tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn dĩ là kênh huy động vốn dài hạn cần thiết cho nền kinh tế và tránh phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng.



Bối cảnh vĩ mô thế giới và thị trường chứng khoán Việt Nam: Qua cơn bĩ cực


Vĩ mô bên trong ổn định mặc dù bên ngoài đầy giông bão.



Vĩ mô thế giới


FED tiếp tục tăng lãi suất: Áp lực từ bên ngoài chủ yếu vẫn đến từ Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới hiện tại và áp lực tăng lãi suất của FED.


Theo thông điệp gần nhất, FED vẫn sẽ tăng lãi suất để khống chế lạm phát và chấp nhận sẽ gây ra 1 số khó khăn nhất định cho nền kinh tế và tiêu dùng của Mỹ. Điều này đã gây ra những áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường tài chính toàn cầu.


Lãi suất tăng sẽ khiến chi phí tài chính tăng và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận các công ty Mỹ trong thời gian tới. Hệ quả của nó có thể dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 8 đã tăng nhẹ lên 3,7% so với 3,5% mức đáy.


FED tăng lãi suất và đồng EU (vốn chiếm tỷ trọng 57,6% trong rổ tính USD index) yếu đi. Điều đó đang khiến đồng bạc xanh đi lên mạnh mẽ và tạo ra áp lực tỷ giá lên các nước khác. Giai đoạn này có thể thấy là đang tới lượt Mỹ xuất khẩu lạm phát ra thế giới thông qua sức mạnh của đồng bạc xanh.


Ngày 13/9 tới Mỹ sẽ công bố lạm phát tháng 8. Đây sẽ là yếu tố vĩ mô quan trọng thứ hai trong tháng 9 chỉ sau cuộc họp của FED. Lạm phát toàn cầu hiện nay chủ yếu do giá năng lượng, hiện giá dầu và giá khí bán ở EU đang có xu hướng giảm lại. Tuy nhiên cũng sẽ khó kì vọng lạm phát ở Mỹ sẽ giảm nhanh, thay vào đó là sẽ giảm chậm từ từ vì:

  1. Giá dầu dù có giảm nhưng vẫn đang cao hơn 50% so với đầu năm.

  2. Giá cả các mặt hàng cần thời gian để thẩm thấu dần việc giá dầu đi xuống.

Trường hợp tích cực: CPI tháng 8 của Mỹ vẫn sẽ đi ngang hoặc thấp hơn dự báo. Điều này sẽ giúp FED bớt diều hâu hơn trong cuộc họp tháng 9.

Trường hợp tiêu cực: CPI tháng 8 tăng trở lại. FED sẽ diều hâu hơn và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.


Về vĩ mô Việt Nam và khu vực Châu Á: Ở Châu Á (ngoại trừ Trung Quốc) vẫn có thể nói là điểm sáng về kinh tế hiện nay nhờ vào việc:

  1. Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero Covid. Điều này khiến hoạt động sản xuất bị đứt gãy, và các đơn hàng xuất khẩu dịch chuyển qua các nước Châu Á khác.

  2. Các nước Châu Á ít bị ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine hơn các nước phương Tây.

  3. Các nước Châu Á mở cửa phục hồi sau các nước Phương Tây, nên bị ảnh hưởng từ lạm phát chậm hơn và có dư địa kiểm soát lạm phát tốt hơn.

Vĩ mô Việt Nam: Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng về phục hồi kinh tế ở Châu Á nhờ vào nhiều yếu tố nội tại.




1. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát:


Cũng như nhiều nước châu Á khác, giá năng lượng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong đà tăng lạm phát của Việt Nam. Với việc giá dầu hạ nhiệt từ tháng 7 đến nay và dư địa về giảm thuế xăng dầu đang giúp Việt Nam tạo ra nhiều dư địa kiểm soát được lạm phát.


Mặc dù lạm phát có nhiều dư địa để kiểm soát, nhưng SBV cũng khó có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh áp lực từ tỷ giá lẫn lãi suất bên ngoài (cụ thể là Mỹ) đang tăng như hiện tại. Thay vào đó, với dư địa này sẽ giúp chính sách tiền tệ Việt Nam mềm mại và uyển chuyển hơn. FIDT vẫn cho rằng xu hướng lãi suất vẫn sẽ tăng nhẹ và chậm từ giờ đến cuối năm.



2. Tỷ giá ít biến động nhất so với các nước trong khu vực:


Dù chịu nhiều áp lực từ đồng USD mạnh lên, nhưng tỷ giá Việt Nam vẫn đang có biến động ít nhất so với các nước trong khu vực. Điều này cũng thể hiện rõ sức mạnh nội tại trong nước, đang góp phần giúp Việt Nam chống chịu với các biến động bên ngoài tốt hơn.


Việt Nam vẫn đang duy trì được trạng thái thặng dư thương mại trong năm nay và nhiều năm vừa qua.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đang duy trì tốt. Điều này cho thấy:


  1. Việt Nam đang dần trở thành 1 trong các nước sản xuất quan trọng của thế giới.

  2. Việc này giúp SBV tăng cường được dự trữ ngoại hối và ổn định vĩ mô.




Bên cạnh đó dòng vốn FDI thực hiện tiếp tục đổ vào Việt Nam và duy trì tăng trưởng tốt trong các tháng vừa qua, bất chấp những lo ngại về kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Việc này 1 phần cũng nhờ vào sự dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn lớn ra khỏi TQ.



Về nội tại, tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau khi mở cửa hoàn toàn trở lại. Điều này cũng hàm ý cho thấy sức khỏe nội tại trong nước đang tốt.


Tựu trung lại có thể thấy, cả tiêu dùng trong nước và xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang duy trì tốt.


3. Dư địa lớn cho chính sách tài khóa


Hiện tại, tỷ lệ nợ công của chính phủ Việt Nam đã giảm mạnh về còn hơn 43%. Trong các năm vừa qua thu nhiều hơn chi, việc tắc nghẽn giải ngân đầu tư công đang khiến nợ công chính phủ giảm mạnh. Trong năm 2022, dự kiến tỷ lệ này có thể giảm nữa vì các cặp tỷ giá VND với đồng Yên Nhật và EU giảm đi, khiến nợ thực phải trả giảm đi.


Việc này có ý nghĩa quan trọng trong điều hành chính sách tài khóa, cụ thể đó là dư địa cho đầu tư công. Tức hiện nay chính phủ đang có room khoảng 70 tỷ USD để vay nợ nhằm đẩy mạnh đầu tư công.

FIDT cho rằng việc này sẽ được đẩy mạnh trở lại sau hội nghị Trung Ương dự kiến được tổ chức trong tháng 10 tới.




Tổng thể lại cho thấy, mặc dù chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, nhưng với sức mạnh nội tại được cải thiện trong nhiều năm vừa qua thì Việt Nam vẫn đang được xem là điểm sáng về tăng trưởng ở Châu Á và trên Thế giới.

Việt Nam đang trở thành vùng trũng hút vốn



Bất chấp những điểm sáng về kinh tế vĩ mô và nội tại, thị trường chứng khoán Việt Nam lại là 1 trong những chỉ số có diễn biến tệ nhất trên thế giới từ đầu năm tới nay. Ngoài những yếu tố từ bên ngoài như FED tăng lãi suất, thì:


Sự kiện quan trọng trong nước là vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh đã có những tác động mạnh mẽ lên thị trường. Mặc dù đây là cú hãm phanh cần thiết của cơ quan quản lý để tránh những hê lụy nguy hiểm về sau (cụ thể là nợ xấu do các bên huy động vốn không đúng mục đích), nhưng cũng đã có những tác động tiêu cưc lên thanh khoản và tâm lý thị trường.


Những tin đồn về các ông chủ lớn: Chưa có năm nào mà thị trường lại có nhiều tin đồn liên quan đến nhiều ông chủ các doanh nghiệp như năm nay và còn kéo dài. Các tin đồn nay đa phần đều không xảy ra trừ vụ Tân Hoàng Minh, nhóm cổ phiếu ông Quyết và ông Nhân. Nhưng các tin đồn này đã làm suy kiệt về mặt tâm lý của nhà đầu tư trong giai đoạn quý 2.


Mặc dù 2 sự kiện trên sẽ tốt cho thị trường và nền kinh tế trong trung và dài hạn, nhưng có tác động rất lớn đến tâm lý thị trường. Đặc biệt với 1 thị trường cận biên như Việt Nam bị chi phối bởi các nhà đầu tư cá nhân thì yếu tố tâm lý có tác động rất lớn. Và đã khiến chỉ số VNINDEX giảm mạnh hơn so với các thị trường khác.


Khi tâm lý được ổn định, thì cũng là giai đoạn phục hồi của thị trường.


TTCK đón nhận sự trở lại của các tay chơi chuyên nghiệp



Về diễn biến khối ngoại, cũng có sự tương đồng về diễn biến thị trường và có thể thấy là họ vẫn là tay chơi rất chuyên nghiệp trên thị trường. Sau 2 năm bán ròng họ đang bắt đầu mua ròng trở lại trên thị trường.


Giai đoạn tháng 3: Sự kiện FED tăng lãi suất và trái phiếu Tân Hoàng Minh, khối ngoại đã bắt đầu bán ròng rất mạnh trên thị trường.


Tuy nhiên, đợt bán ròng này đã sớm kết thúc và họ bắt đầu mua ròng liên tiếp từ tháng tư trở lại đây. Diễn biến của các tổ chức cũng tương đồng. Sau khi bán mạnh trong các tháng đầu năm, thì nhóm này đang quay trở lại mua ròng trong các tháng gần đây.


Có thể thấy, giai đoạn này Khối ngoại lẫn tổ chức đang dần lấy lại sự chủ động từ nhà đầu tư cá nhân.


Định giá một số nhóm ngành và thị trường đang ở mức hấp dẫn



P/E Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực cho dù ROE của Việt Nam lại cao hơn. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thâm dụng vốn, điều này khiến ROE tăng lên. Nhưng cũng không thể phủ nhận hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam giai đoan 2016 trở lại đây đã cải thiện hơn rất nhiều lần so với trước đó.



Xét về tốc độ tăng trưởng EPS, Việt Nam vẫn đang vượt trội hơn so với các nước trong khu vực và trung bình các thị trường mới nổi với kỳ vọng tăng trưởng 30% trong năm nay. Điều này cũng đang đồng pha với những phân tích về vĩ mô ở phía trên, khi mà Việt Nam vẫn là điểm sáng.



Vì thế, với định giá P/E hiện tại vẫn là mức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung dài hạn khi:

1. So sánh với quá khứ.

2. So sánh với các nước trong khu vực và thị trường mới nổi.




So sánh tương quan với 2018:

- 2018 cũng là một năm khó khăn với thị trường chứng khoán và có điểm tương đồng với hiện tại là vào chu kỳ tăng lãi suất của FED.

- Tuy nhiên, có một số khác biệt là nền kinh tế 2018 đạt đỉnh từ Q2, trong khi hiện tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt, ít nhất là đến hết 2022.


Mặc dù vậy, FIDT vẫn làm 1 số thống kê và so sánh cũng có sự tương đồng nhất định về diễn biến và thanh khoản thị trường.




Tổng kết lại, hài hòa giữa những áp lực từ bên ngoài, và yếu tố nội tại trong nước, FIDT vẫn duy trì dự phóng về biến động của VNINDEX năm nay.

 

GÓC NHÌN KỸ THUẬT THỊ TRƯỜNG VÀ NHÓM NGÀNH


Lưu ý: Các nhận định kỹ thuật của chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, Quý Nhà đầu tư vui lòng tham khảo các nhận khác liên quan đến phân tích cơ bản để định hướng đầu tư tốt nhất. Xin cảm ơn.


Vn-Index đang vận động trong khu vực Sideway từ khu vực 1250-1290. Kết tuần vừa rồi thì Index vẫn giữ được ở mức 1280. Mức hỗ trợ ngày ở khu vực 1250 vẫn đang thể hiện sức mạnh tương đối chắc chắn khi phiên 29/8 trước thông tin biến động từ DJ thì Index khi chạm mốc hỗ trợ này thì đã rút chân mạnh mẽ đi kèm với mức thanh khoản lớn.


Vì vậy trong các đợt điều chỉnh tiếp theo nếu có thì chúng ta sẽ quan sát kĩ khu vực hỗ trợ này của Index. Hiện tại thì Index vẫn giữ được xu hướng tăng khi vẫn nằm trên được các đường MA quan trọng là MA 20, MA 50.



Đèn Đỏ Được Bật - Rủi Ro Đến Từ DJ


Chúng ta vẫn có thể thấy được rằng là Vn-Index tuy giữ được đà tăng, nhưng trái chiều rủi ro đến từ thị trường Mỹ. Khi thị trường Mỹ vẫn liên tục giảm mạnh và gần như mất mốc hỗ trợ quan trọng ở khu vực MA 50. Phiên thứ 6 DJ đóng nến khá thất vọng khi trong phiên giao dịch vẫn tăng được hơn 200 điểm nhưng khi kết phiên thì đón nhận một mức giảm là hơn 300 điểm.


VN-Index hiện đang lệch pha với DJ, nếu tiếp tục DJ không có những tín hiệu cải thiện tích cực thì độ lệch pha này càng cao. Từ đó, dẫn đến áp lực điều chỉnh của Index trong thời gian tới là tương đối cao.



Trạng thái kỹ thuật các nhóm ngành:


Có 3 nhóm ngành Leader được theo dõi : Bất động sản - Chứng khoán - Bất động sản khu công nghiệp.


Nhóm Bất động sản: Chúng ta có thể thấy nhóm này đang dần dần yếu đi khi những mã tâm điểm của dòng tiền như DIG, DXG, CEO ... đang thể hiện sự yếu đi so với thị trường chung khi các mã này dẫn mất đi càng đường hỗ trợ ngắn hạn như MA 10, MA 20. Lực bán cũng xuất hiện đối với nhóm này.

Nhóm Chứng khoán: Nhóm này vẫn giữ được sức mạnh so với thị trường chung khi vẫn trụ được bám sát ở các nền giá ngắn quanh khu vực MA 10. Leader VCI của nhóm ngành này vẫn đang trụ vững trước những đợt bán mạnh của thị trường. Kì vọng là nhóm này vẫn sẽ giữ được. Nhóm này rất "nhạy" so với thị trường chung, nếu giữ trận được thì thị trường vẫn còn trong nhịp hồi và sẽ xuất hiện sự phân hóa.


Nhóm Bất động sản khu công nghiệp: Đang giữ vai trò là nhóm leader của thị trường với những cái tên như IDC, VGC. Và trong tuần vừa rồi thì đã có đà tăng bật lên từ nhóm Cao su - BĐS KCN như GVR, PHR, DPR. Đây là nhóm tiềm năng nếu xuất hiện đợt điều chỉnh của thị trường.

 

Lưu ý nhà đầu tư


Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance

Comments


bottom of page