FIDT nhận định
Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TIÊU CỰC, mức độ rủi ro 50.38% (giảm so với tuần trước).
Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu 20-30% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.
Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.
Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.
Vĩ mô quốc tế
Về Mỹ, tuần qua số liệu CPI công bố vượt dự báo của các thành viên thị trường.
Theo đó:
CPI tăng 0.4% so với tháng trước, cao hơn dự báo 0.3%.
Core CPI (loại trừ biến động của giá năng lượng và thực phẩm) vốn được các nhà hoạch định chính sách theo dõi tăng 0.6% so với tháng trước, cao hơn dự báo ở mức 0.5%.
Phân tích sâu hơn và các cấu phần của lạm phát:
Thứ 1, nhìn vào các yếu tố mang tính biến động cao, giá năng lượng tiếp tục giảm đã kiềm 1 phần đà tăng lạm phát. Tuy nhiên, đà giá thực phẩm vẫn còn dai dẳng chủ yếu do giá ngũ cốc và rau quả vẫn tiếp tục tăng.
Thứ 2, cấu phần đáng chú ý là giá dịch vụ tiếp tục tăng và giá cả dịch vụ tăng đều ở hầu hết các cấu phần.
Chí phí nhà ở (shelter) chiếm tỷ trọng lớn nhất của cấu phần dịch vụ và chiếm 1/3 tỷ trọng CPI, sẽ là cấu phần quan trọng quyết định đà tăng CPI và core CPI sắp tới. Trong khi đó, chi phí nhà ở này được cho là phản ánh chậm hơn (lagging) đà tăng giá nhà thực tế so với giá cho thuê. Việc Fed nâng lãi suất đã làm giảm sức nóng của thị trường bất động sản Mỹ gần đây và giá nhà nhiều nơi đã bắt đầu hạ nhiêt. Do đó, chi phí nhà ở trong CPI cần vài tháng để phản ánh do sự lệch pha (lagging).
Nhìn vào hình trên, chúng ta thấy rõ rằng cấu phần dịch vụ (màu xám dưới cùng) đang trở thành tác động lớn nhất đến CPI và đà tăng giá dịch vụ thường sẽ duy trì và nó tăng 1 phần do kỳ vọng lạm phát (inflation expectation) vốn được ông Powell nhắc đến nhiều lần trước đấy là cuộc chiến chống lạm phát là phải triệt tiêu được kỳ vọng lạm phát.
Hiện tại, theo khảo sát tháng 10 của ĐH Michigan thì kỳ vọng lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức rất cao. Do đó, với việc lạm phát còn dai dẳng và kỳ vọng lạm phát còn cao thì Fed sẽ gần như tiếp tục chính sách diều hâu của mình.
Sau khi số liệu CPI được công bố thì hiện nay, thị trường dự báo chủ yếu mức tăng lãi suất của Fed ở mức 0.75% trong cuộc họp FOMC ngày 02/11 sắp tới (tương ứng mức lãi suất Fed Fund FFR 3.75 - 4.00).
Về Trung Quốc, hôm nay 16/10 là ngày khai mạc Đại Hội Đảng Trung Quốc vốn được xem là kỳ họp định hình chính sách và quyết định các nhân sự quan trọng của Trung Quốc trong 5 năm tới.
Hiện thị trường đang kỳ vọng sau Đại hội này:
Một số biện pháp phòng dịch sẽ ít "khắt khe" hơn và mở cửa nền kinh tế.
Chính sách tài khóa sẽ được gỡ nút thắt để giải quyết các vấn đề kinh tế của TQ, đặc biệt là "giải cứu" thị trường Bất động sản.
Vĩ mô Việt Nam
Sau vụ việc Vạn Thịnh Phát thì mối quan tâm lớn nhất của thị trường hiện tại là rủi ro của Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Gần đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bắt đầu xuất hiện các "triệu chứng" sau một quá trình phát hành riêng lẻ huy động một lượng vốn rất lớn, nhất là nền lãi suất huy động thấp đi đáng kể kể từ khi dịch Covid xảy ra đã kích thích sự "thèm muốn" dòng tiền chi phí thấp và dễ dãi.
Việc dòng tiền dễ dãi với chi phí thấp, trong thời kỳ thị trường TPDN của Việt Nam còn được xem là non trẻ đã khiến thị trường này bùng nổ khi nhận thức về rủi ro của các nhà đầu tư TPDN là chưa cao, quá trình thẩm định (Due Diligence) được cho là chưa chặt chẽ đã gây ra nhiều hệ lụy khi:
(1) Kỳ hạn đáo hạn của trái phiếu không phù hợp với chu kỳ kinh doanh và dòng tiền của các dự án được huy động vốn.
(2) Việc kiểm tra sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không gần như không có.
Gần đây là bắt đầu xuất hiện một số vụ việc riêng lẻ về trái phiếu đến hạn nhưng các bên phát hành không có khả năng chi trả đúng hạn và đang thương lượng trái chủ hoãn hoặc điều chỉnh các kỳ hạn trả, dù chỉ là một số trường hợp riêng lẻ nhưng đã bắt đầu cho thấy những "triệu chứng" ban đầu.
Để đánh giá rủi ro của thị trường TPDN riêng lẻ, FIDT thu thập data của các bên phân tích khác (như VCBS, VBMA) để phân tích và nhìn nhận về thị trường này:
Nhìn vào cơ cấu trái phiếu theo ngành nghề và giá trị đáo hạn theo thời gian:
Theo đó, các NHTM vẫn là tay chơi lớn nhất trên thị trường, FIDT đánh giá trái phiếu do các ngân hàng phát hành là an toàn và không có rủi ro gì đáng kể. Lý do:
(1) Tình hình tài chính của các ngân hàng của Việt Nam hiện nay là tốt.
(2) Thị trường TP của các ngân hàng chủ yếu là thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng nắm giữ TP của nhau lớn.
(3) Dòng tiền của ngân hàng lớn và các tài sản của ngân hàng có tính thanh khoản (liquid) cao.
(4) Ngân hàng luôn có người cho vay cuối cùng là Ngân hàng nhà nước SBV.
Do đó đánh giá rủi ro của thị trường chúng tôi tập trung vào "tay chơi" đứng thứ 2 sau ngân hàng là các công ty BĐS.
Trước tiên, đặc thù tài sản của các công ty BĐS là các tài sản mang tính thanh khoản (liquid) thấp dưới dạng đất đai, nhà cửa, tài sản dỡ dang. Các tài sản này có vòng quay rất chậm theo chu kỳ của các dự án và giá trị tài sản phụ thuộc nhiều vào chu kỳ ngành BĐS. Do đó, trái phiếu do các công ty BĐS phát hành để tài trợ dự án cần có kỳ hạn đủ dài với chu kỳ dòng tiền dự án.
Tuy nhiên hiện nay đa phần trái phiếu được phát hành với kỳ hạn ngắn hơn chu kỳ phát triển của 1 dự án BĐS giúp
Lãi suất phát hành thấp hơn.
Phân phối và hấp thụ dễ dàng hơn.
Điều này dẫn đến nhu cầu quay vòng trái phiếu (rolling) khi đáo hạn là rất cao.
Do đó nhìn vào rủi ro Trái phiếu doanh nghiệp BĐS này chúng tôi nhìn vào 2 điểm:
Áp lực đáo hạn trái phiếu.
Khả năng hấp thụ nếu quay vòng (cầu Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ).
Về áp lực đáo hạn
Theo thời hạn đáo hạn Trái phiếu doanh nghiệp BĐS thì:
Q4.2022: giá trị đáo hạn còn lại khoảng 23k tỷ.
2023-2024: giai đoạn đáo hạn lớn, áp lực đáo hạn lớn của 2023 rơi vào tháng 6 đến tháng 8.
Với tình hình thị trường BĐS trầm lắng khi thiếu room tín dụng cho BĐS và nền lãi suất gia tăng thì áp lực đáo hạn là một thách thức lớn đối với ngành.
Về khả năng hấp thụ TPDN phát hành riêng lẻ sắp tới
Trái phiếu DN BĐS phát hành riêng lẻ trong các năm vừa qua được hấp thụ 1 phần khá lớn từ hệ thống NHTM và một lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia được công nhận là NĐT chuyên nghiệp (khi thị trường chứng khoán bùng nổ).
Thông tư 16 của NHNN có hiệu lực từ 15/01/2022 quy định điều kiện "khắt khe" hơn về việc đầu tư vào TPDN của NHTM trong đó không cho NHTM đầu tư và TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ (hay rolling nợ). Do đó hạn chế các NHTM đầu tư lại vào các TPDN BĐS khi họ quay vòng.
Nghị định 65 có hiệu lực từ 16/09/2022 đã quy định "khắt khe" hơn về điều kiện được công nhận là NĐT chuyên nghiệp. Theo đó, theo đánh giá của VBMA, nhiều NĐT đang được chứng nhận là NĐT chuyên nghiệp theo NĐ153 đang nắm giữ trái phiếu sẽ không được công nhận là NĐT chuyên nghiệp sắp tới. Do đó, họ không thể trực tiếp mua TPDN phát hành riêng lẻ nữa. Do đó, giảm lượng NĐT hấp thụ lượng TP khi quay vòng.
FIDT nhận định, TPDN BĐS cần quan sát, theo dõi và đang là phần khá rủi ro trên thị trường trái phiếu. Trước tiên các DN sẽ xoay sở dòng tiền và tìm các biện pháp/huy động nguồn vốn khác khi trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên áp lực các năm sau rất lớn và cần sự hỗ trợ điều tiết từ các cơ quan chức năng. Do đó, hiện chúng ta vẫn cần thận trọng với rủi ro từ phần này.
Một điểm sáng của thị trường hiện tại là nhiều doanh nghiệp phát hành đã mua lại trái phiếu trước hạn. Theo VCBS, trong 9T.2022, khối lượng trái phiếu mua trước hạn đạt 135.180 tỷ đồng, trong đó khối lượng mua lại trước hạn tập trung từ tháng 6 đến nay.
FIDT nhận định, các vụ việc gần đây khiến niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị "lung lay" và triển vọng của thị trường này trong Q4.2022 và 2023 là không sáng.
Niềm tin vốn là thứ rất quan trọng trên thị trường tài chính nói chung và thị trường tín dụng nói riêng, do đó việc gây dựng lại niềm tin thị trường là vấn đề các cơ quan điều hành và các thành viên thị trường cần phải "vun đắp" để thị trường quay lại "guồng" phát triển.
Xét về quy mô và thời gian phát triển, thị trường TPDN tại Việt Nam còn "bé" và sơ khởi nên việc chấn chỉnh thời gian vừa qua tuy "đau" nhưng là cần thiết để giúp thị trường này phát triển lành mạnh trong dài hạn và trở thành 1 kênh dẫn vốn quan trọng của Việt Nam,
Với những rủi ro từ thị trường này, nên hiện nay FIDT đánh giá:
Rủi ro là vẫn còn khi áp lực trái phiếu đến hạn là lớn. Các ngành triển vọng bị ảnh hưởng lớn với rủi ro trái phiếu này là Bất động sản dân cư, Ngân hàng, Chứng khoán.
Khi thị trường đã rẻ và rủi ro khiến biến động vẫn còn thì các NĐT nên nhìn dài hạn hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư, hoặc phân bổ mua làm nhiều lần để tránh rủi ro biến động (chuẩn bị sức mua) hoặc thực hiện tích sản trong giai đoạn rẻ với tầm nhìn trung hạn.
Các nhà đầu tư quan tâm có thể tham khảo danh mục tích sản của FIDT tại đây.
Lưu ý nhà đầu tư
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance
Comments