top of page

Báo cáo tuần 19.09 - 23.09.2022

FIDT nhận định


Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 42.88% (tăng từ 37.75%của tuần trước). Mức độ rủi ro tăng lên do yếu tố động lượng tiêu cực và ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế tiêu cực.


Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu 30-50% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.


Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.

Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.

 

Vĩ mô quốc tế


Một thông tin đáng chú ý từ phía Mỹ trong tuần vừa qua là số liệu CPI tháng 8.


Lạm phát của Mỹ tăng trở lại 0.1% sau khi đi ngang trong tháng 7. Đặc biệt là lạm phát lõi Core CPI (mục All items less food and energy) đã tăng 0.6% trong tháng vừa qua khiến các nhà đầu tư thận trọng trước việc lạm phát "dai dẵng" hơn và Fed sẽ thắt chặt tiền tệ "dài và mạnh" hơn.


Tuy nhiên, một điểm sáng là bán lẻ của Mỹ vẫn tăng 0.3% so với tháng 7 nhưng có sự phân hóa lớn giữa các cấu phần.


Biểu đồ trên cho thấy rằng:

  • Loại trừ bán lẻ liên quan đến ô tô thì bản lẻ tháng 8 giảm 0.3%.

  • Loại trừ xăng thì tăng đến 0.8%.

  • Do đó, có thể thấy trong T8.2022 bán lẻ ô tô đang tăng trở lại, trong khi bán lẻ xăng giảm so tháng rồi (chủ yếu do giá xăng giảm).


Nhìn kỹ vào các cấu phần thì sẽ thấy rõ hơn câu chuyện:


(1) Bán lẻ ô tô đang tăng trở lại: các công ty sản xuất linh kiện ô tô sẽ được lợi (DRC sản xuất lốp nhưng phần lớn là lốp ô tô tải, tuy nhiên kết quả kinh doanh cũng đang dần tốt lên).


(2) Các mặt hàng nội thất và nhà ở đang sụt giảm như FIDT đã dự phóng, đưa góc nhìn trước đây về chu kỳ BĐS và thông tin từ hãng tàu. Các cổ phiếu bị ảnh hưởng là PTB và VCS.


(3) Các mặt hàng liên quan may mặc thì tháng 8 vẫn tăng nhưng mức tăng đã giảm sâu (mức tăng chỉ 0.4%) nên kỳ vọng sắp tới cho nhóm dệt may FIDT vẫn chưa thấy nhiều điểm sáng.


Một số thông tin FIDT thu thập được thì hàng xuất khẩu nội thất sang Mỹ đang giảm mạnh nên còn tiếp tục tiêu cực, điểm sáng của ngành này là xuất khẩu sang Úc đang khá tốt lên. Nguyên nhân chủ yếu do đợt lũ lụt tại Sydney vừa qua khiến nhu cầu trang trí lại nhà cửa tăng.


Một chỉ báo đối với nền kinh tế Mỹ vừa được công bố là Chỉ số tâm lý người tiêu dùng, cho thấy tiếp tục tốt lên sau khi chạm đáy vào tháng 6/2022.


Phía "người hàng xóm phía bắc" Trung Quốc vừa công bố số liệu sản xuất công nghiệp tại nước này.



Theo đó, sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc tiếp tục lấy đà tăng trưởng trong tháng 8 với mức tăng 4.2% yoy (cao hơn mức dự báo 3.8%) bất chấp một số lo ngại do tình trạng thiếu điện và lockdown đã khiến sản xuất công nghiệp giảm vào tháng 4.


Từ ngày 15/09/2022, Trung Quốc cũng dần thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại một số thành phố. Hiện nay, thị trường đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ thực hiện nới lỏng mạnh các biện pháp phòng dịch và thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa vốn đang treo sau Đại Hội Đảng Trung Quốc diễn ra vào tháng 10.


Phía EU thì vấn đề lạm phát và an ninh năng lượng vẫn đang rất "đau đầu" sau các biện pháp cấm vận Nga vào năm sau. Ngoài khí thì EU vẫn đang phụ thuộc vào dầu Nga khá nhiều nên khi phải mua nguồn xa hơn thì chi phí cũng sẽ tăng.



Theo Kpler, nhiều nước không thể chối bỏ "sự cuốn hút" của dầu Urals giá rẻ của Nga. Dự định rằng, Nga sẽ chuyển dòng chảy dầu này sang Châu Á.


Để đối phó với lạm phát đặc biệt là giá điện, EU đang đề xuất sẽ "truy thu" lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí/ than đá và điện để dùng số tiền này bù đắp cho giá điện/ năng lượng leo thang. Trong đó, đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là dầu khí, than đá), EU đề xuất "truy thu" 20% lợi nhuận tăng thêm trong năm 2022 so với trung bình lợi nhuận 3 năm trước.



Đối với doanh nghiệp sản xuất điện, EU đề xuất "truy thu" phần biên lợi nhuận vượt trội của các loại hình sản xuất điện có giá vốn thấp.



Tuần này FOMC (Ủy ban thị trường mở của Fed) sẽ họp vào thứ 5 (ngày 22/09) để đưa ra:

  • Quyết định lãi suất.

  • Dự phóng kinh tế Mỹ - đây là thông tin rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán và các thị trường tài sản toàn cầu.

Nhìn lại việc Fed tăng lãi suất so với các chu kỳ trước:


Rõ ràng rằng Fed đang tăng lãi suất nhanh hơn rất nhiều so với các chu kỳ trước (đường màu đỏ) và dự báo Fed tiếp tục tăng lãi suất 0.75% trong cuộc họp sắp tới.


Bloomberg đã thực hiện khảo sát thị trườg tài chính vào ngày 14/09 về dự báo chính sách của Fed và kết quả về dự báo chung của các nhà phân tích và thành viên thị trường như sau:


(1) Mức nâng lãi suất tháng 9 sẽ là 0.75%.


(2) Lãi suất cuối năm 2022 ở mức 4.0%.


(3) Lãi suất sẽ đạt đỉnh 2023 và duy trì nền cao trước khi bắt đầu giảm từ 2024.



Cuộc khảo sát cho thấy rằng các thành viên trên thị trường đang đánh giá 1 mức lãi suất cao hơn ở tất cả các mốc thời gian so với hồi tháng 7.


Về triển vọng kinh tế các bên cho rằng:


(1) GDP của Mỹ sẽ tiếp tục "guồng" tăng trưởng ở mức 1.4%-1.8% từ 2023.


(2) Thất nghiệp sẽ tăng dần lên 4.05% (2023) và 4.20% (2024) do việc thắt chặt chính sách của Fed.


(3) Lạm phát PCE sẽ giảm về mức 2.60% (2023), 2.20% (2024) và trở về mức Fed mong muốn 2.0% từ 2025. Do đó diễn biến trong tuần tới sẽ phụ thuộc nhiều vào công bố của FOMC so với dự báo các bên.


Về việc thực hiện QT và bán phần lớn MBS (chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp) thì các thành viên trên thị trường không chắc chắn (50/50). Các khoản MBS này được Fed mua ròng rất mạnh trong đợt QE vừa rồi.



Về xác suất xảy ra khủng hoảng trong 24 tháng tới:


Vĩ mô Việt Nam


Trước tiên, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao nên:


(1) Tình hình kinh tế thế giới "chưa sáng" cũng khiến Việt Nam bị ảnh hưởng.

(2) Tỷ giá và lãi suất vẫn còn sức ép nhất định trong thời gian tới khi Fed tiếp tục nâng lãi suất.


Theo lộ trình thì từ ngày 01/10/2022, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa áp dụng là 37% (giảm từ 40% hiện nay).



FIDT đánh giá rằng thông tin này không gây áp lực cho các ngân hàng hiện tại do các ngân hàng đều có sự chuẩn bị trước và đưa tỷ lệ này về dưới mức thấp nên việc gâp áp lực lên NIM do việc phải giảm tỷ lệ này là không đáng kể.


Về mặt tích cực thì nền kinh tế Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu, việc mở room tín dụng đã giải 1 phần "cơn khát" vốn của nền kinh tế, sắp tới quy định liên quan đến thị trường trái phiếu được thông qua, kỳ vọng sẽ tháo nút thắt còn lại của thị trường vốn.


Ngoài ra, Việt Nam đang đứng trước việc giải quyết nhiều "nút thắt lớn" liên quan đến hạ tầng (giải ngân đầu tư công), các quy hoạch quốc gia (như Quy hoạch điện) sẽ là động lực lớn cho nền kinh tế trong trung hạn. Do đó, nhìn trung hạn, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và đang đợi các "nút thắt lớn" được "tháo".


Một số điểm nhấn đáng chú ý của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi về phát hành trái phiếu riêng lẻ.


  • Sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành.

  • Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cũng phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

  • Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu khi được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.

  • Mệnh giá trái phiếu cũng được sửa đổi tăng từ 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng lên 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng.

  • Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Đánh giá tác động:


Nghị định này được ban hành sẽ khởi thông lại hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ trên thị trường. Vì lâu nay các bên đều phải trì hoãn lại chờ các quy định mới này thì mới thực hiện được.


Nghị định này cũng siết chặt hoạt động trái phiếu phát hành riêng lẻ với một số ảnh hưởng sau:


  1. Chi phí phát hành sẽ tăng lên do cần phải có đại diện người sở hữu trái phiếu để giám sát doanh nghiệp, thường sẽ là ngân hàng hoặc công ty chứng khoán.

  2. Nhà đầu tư cá nhân bị giới hạn mua trái phiếu phát hành riêng lẻ với tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp được nâng lên, thời gian phân phối bị rút ngắn còn 5 ngày, thời gian phát hành rút ngắn từ 90 ngày xuống còn 30 ngày. Với một loạt quy định này thì việc phân phối ra thị trường cho nhà đầu tư cá nhân là rất khó và không khả thi.

  3. Với các tiêu chuẩn mới, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ phù hợp cho việc bên tư vấn thu xếp được nguồn vốn trước đó từ các tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư trái phiếu, tổ chức mua nợ. Thay vì như trước đây là phát hành xong và phân phối đi tìm người mua, nhà đầu tư cá nhân.

  4. Sau khi niêm yết, cũng chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua bán trái phiếu phát hành riêng lẻ, còn trái phiếu phát hành đại chúng thì không cần.

  5. Việc này cũng khiến việc phát hành riêng lẻ không hề đơn giản và gần như tương đương với phát hành đại chúng. Chỉ khác nhau là phát hành đại chúng đòi hỏi tiêu chuẩn tài chính cao hơn và phải thông qua SSC (ủy ban chứng khoán phê duyệt).

Về mặt thị trường:

  • Với quy định mới này thì các công không đủ năng lực, uy tín, khả năng sinh dòng tiền đề thu hồi vốn cho trái chủ và đặc biệt là mục đích sử dụng vốn sẽ khó có thể phát hành trái phiếu riêng lẻ hơn vì lúc này bên mua bị hạn chế bởi rào cản: (1) Nhà đầu tư chuyên nghiệp (2) Thời gian phân phối.

  • Ngược lại, với các doanh nghiệp uy tín, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết thì sẽ ít bị ảnh hưởng nhiều vì họ có các lợi thế về công bố thông tin như cáo bạch, báo cáo tài chính có kiểm toán, uy tín trên thị trường.

  • Thị trường trái phiếu sẽ phát triển tốt, lành mạnh hơn sau quy định siết chặt này. Không phải ai muốn phát hành là cũng phát hành được như trước đây.

  • Với quy định mới này, thì có thể mất đâu đó tầm 2 đến 3 tháng để các bên tư vấn phát hành điều chỉnh lại hồ sơ, kế hoạch phát hành, quan trọng nhất là bên mua, thì các hoạt động phát hành sẽ diễn ra bình thường trở lại.

 

Lưu ý nhà đầu tư


Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance

Comments


bottom of page