top of page
Ảnh của tác giảThanh Phan - FIDT

Thị trường Thép có gì mới?


Cập nhật giá thép


Ngày 9/7, nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục hạ giá sản phẩm với mức giảm lên đến 300,000 VND/tấn. Đây là đợt giảm thứ 8 kể từ ngày 11/5.


Điển hình, giá thép Hòa Phát đã được điều chỉnh giảm 360,000 VND/tấn và 200,000 VND/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh giá hai loại thép này lần lượt là 16,24 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn.



Giá thép Hòa Phát hiện tại đã giảm về mức trung bình từ đầu năm 2021 - nay (Nguồn: Steelonline)


Các doanh nghiệp khác như Việt Đức, Việt Ý, Kyoei cũng đưa ra mức điều chỉnh gần như tương đương, dao động quanh 200,000 – 300,000 VND/tấn. Như vậy trong 2 tháng qua, giá thép tại thị trường Việt nam đã ghi nhận lần giảm thứ 8 với tổng mức giảm lên đến hơn 3 triệu đồng/tấn.


Tại thị trường sản xuất/tiêu thụ thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc, giá thép HRC cũng đã tiếp tục đà giảm xuống mức 4,100 nhân dân tệ/tấn.



 

Giá thép giảm - Nguyên nhân từ đâu ?


Nếu nhìn về khía cạnh cung – cầu:


Về phía cầu

  • Lạm phát tăng cao và khó kiểm soát khiến các Ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất và triển vọng kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng (đặc biệt là ở các nước phát triển) tác động mạnh vào thị trường bất động sản và đầu tư hạ tầng toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ thép suy giảm. Theo báo cáo của WorldSteel, trong 4TH2022, sản lượng thép tiêu thụ toàn cầu chỉ đạt 619.1 triệu tấn, thấp hơn 7.1% so với cùng kỳ năm ngoái và kém xa so với kỳ vọng.


  • Tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới (chiếm 44.7% tiêu thụ thép thành phẩm toàn cấu), việc tuân thủ chặt chẽ chính sách Zero Covid và kiểm soát chặt thị trường Bất động sản đã khiến sản lượng tiêu thụ thép sụt giảm trầm trọng.

  • Việt Nam cũng không ngoại lệ, sau khi tăng 15% trong Q1 do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà giảm trong tháng 6. Theo chủ tịch VSA, việc giải ngân đầu tư công chậm khi giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhu cầu thép trong nước giảm, ảnh hưởng đến tiêu thụ. Ngoài yếu tố đầu tư công, thời gian qua việc ngân hàng siết chặt tín dụng với bất động sản khiến ngành xây dựng chững lại, tác động gián tiếp đến việc bán hàng thép xây dựng trong nước.

Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam

Về phía cung

  • Do tác động từ cầu yếu trên phạm vi toàn cầu và chi phí sản xuất gia tăng, sản lượng thép toàn cầu nhìn chung đã giảm trong nửa đầu năm 2022, với tổng sản lượng sản xuất ước tính giảm 6.3% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính theo tháng, sản lượng thép sản xuất tại Trung Quốc đã tăng dần trong 3 tháng qua, làm gia tăng lượng hàng tồn kho tại nhà máy và tạo thêm áp lực lên diễn biến giá thép trong khu vực.


Tồn kho thép Trung Quốc - Nguồn: Sàn kim loại Thượng Hải

  • Trước tình hình này, nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã thua lỗ và phải giảm sản lượng bằng cách cho ngừng hoạt động một số lò cao để giảm tồn kho trong khi nhu cầu yếu (Theo các nguồn thông tin từ sàn giao dịch Kim loại Thượng Hải, từ 25/6 – 1/7 số lượng lò luyện đã tắt là 12 lò, kể từ ngày 1/7 có thêm 49 lò đi vào tình trạng tương tự). Trong bối cảnh này, nhiều nhà phân phối thép tại Trung Quốc sẵn sàng bán hàng với mức giá thấp.

  • Mặt khác, giá cả các nguyên vật liệu chính sử dụng cho quá trình sản xuất thép như than cốc cũng tăng vọt, làm bào mòn BLNG của các doanh nghiệp thép nói chung. Đỉnh điểm là vào tháng 4 năm nay, giá than cốc tại thị trường Trung Quốc đã chạm mức 661 USD/tấn, cao hơn 62% so với thời điểm cuối năm 2021 (408 USD/tấn).


Cung thép trong nước - Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam

 

Nhận định của FIDT


Trong tương lai gần, chúng tôi cho rằng triển vọng ngành thép vẫn chưa có điểm sáng do 1) chi phí nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là than cốc, làm bào mòn biên LN gộp của các doanh nghiệp thép, 2) ngành bất động sản chững lại trong năm 2022 do vấn đề siết tín dụng và 3) lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu còn hiện hữu.


Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chưa nên đầu tư vào nhóm thép, có thể tiếp tục duy trì tỷ lệ tiền mặt hợp lý để giải ngân khi chu kỳ của nhóm thép trở lại với các triển vọng rõ ràng hơn, lúc đó sẽ có mức giá hợp lý đồng thời duy trì được biên an toàn.


Một số yếu tố ảnh hưởng triển vọng thị trường thép:

  • Trung Quốc ngừng lockdown khi tình hình Covid-19 khả quan hơn.

  • Thị trường xây dựng và BĐS toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc khởi sắc trở lại

  • Tại Việt Nam, giá nguyên vật liệu giảm giúp tiến độ đầu tư công cũng như nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng phục hồi trở lại.

  • Thị trường bất động sản Việt Nam khả quan trở lại.


 

Lưu ý nhà đầu tư


Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả.


(*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng!

FIDT - Focus On Informatics

Comments


bottom of page