Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2-2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. Cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước:
GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước và vượt mọi dự báo, cao hơn cả tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021.
GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.
Về CPI trong quý 2:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,14% so với tháng trước; tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,63%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2022 tăng 0,72% so với tháng trước và tăng 1,23% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,2%.
Lạm phát tiếp tục tăng theo đà tăng trưởng của nền kinh tế và áp lực từ giá năng lượng. Tuy nhiên, chỉ số CPI hiện nay vẫn thấp hơn nếu so với các nền trước dịch là năm 2018 - 2019.
Hiện nay tỷ giá VND vẫn đang giữ ổn định, trạng thái thăng dư về ngân sách, và việc thuế xăng dầu sẽ giảm kịch khung từ 1/8 sẽ giúp bình ổn giá năng lượng. Đây cũng là 3 yếu tố quan trọng giúp chính phủ kiểm soát chặt CPI trong thời gian tới.
Về đầu tư công và ngân sách nhà nước:
Mặc dù đầu tư công hiện đang chưa đạt kế hoạch chính phủ đề ra, nhưng vẫn đang tăng trưởng tốt so với cùng kỳ các năm.
Trong 6 tháng đầu năm ngân sách nhà nước thặng dư 220 ngàn tỷ đồng. Trạng thái này có thể nói hiếm có từ trước đến nay, vì các giai đoạn trước đó chính phủ luôn bị trạng thái căng thẳng về thâm hụt xã hội.
Thặng dư ngân sách nhà nước sẽ giúp tạo dư địa đẩy mạnh tiếp đầu tư công mà không ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ giá (giúp giữ ổn định tỷ giá). Qua đó tiến tới là kiểm soát lạm phát, vì tỷ giá và dư nợ chính phủ luôn có sự liên thông với nhau.
Có thể thấy Q2 là giai đoạn nền kinh tế phục hồi rõ nét nhất vì Việt Nam hoàn toàn mở của trở lại từ cuối tháng 3 trở đi. Với nền so sánh thấp quý 3 năm ngoái bị tăng trưởng âm, thì GDP quý 3 năm nay trên 7% là khả thi.
Comentarios