Tiềm năng dài hạn
Hiện tại câu chuyện FED nâng lãi suất và nguy cơ suy thoái đang “bao trùm” tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường. Câu chuyện này đang ngấm dần vào thị trường chứng khoán và thị trường đang phản ánh những thông tin tiêu cực này.
Câu chuyện FED và rủi ro suy thoái còn có thể kéo dài đến giữa 2023, vậy chúng ta có nên bi quan?
Trong ngắn hạn rõ ràng có nhiều nguy cơ và thị trường thường chiết khấu sâu hơn do tâm lý dẫn dắt quyết định, nhưng nếu nhìn dài hạn hơn thì nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều câu chuyện tăng trưởng.
Thứ 1, nền kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng trong trung hạn.
Nếu so sánh tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo vượt trội so với các nền kinh tế lớn và các nước trong khu vực (theo IMF).
Các doanh nghiệp niêm yết là bộ mặt của nền kinh tế và là các doanh nghiệp hưởng lợi lớn khi nền kinh tế tăng trưởng. Do đó, tốc độ phát triển của các doanh nghiệp này sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP nên tăng trưởng EPS sẽ vẫn tốt nếu nhìn trung hạn.
Thứ 2, Việt Nam là “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Câu chuyện đa dạng hóa chuỗi cung ứng bắt nguồn từ chiến tranh thượng mại Mỹ - Trung 2018, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã có nhu cầu chuyển dịch chuỗi cung ứng. Đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch với các lệnh lockdown kéo dài càng làm cho xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo Ngân hàng Nomura của Nhật Bản thì Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trên xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và do đó sẽ là “thỏi nam châm” hút vốn FDI trong trung hạn.
Nền kinh tế có độ mở cao, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương giúp các sản phẩm “made in Vietnam” sẽ được các mức thuế ưu đãi cũng như vượt qua được các rào cản kỹ thuật dễ dàng hơn. Và đây là một trong những điều mà các doanh nghiệp toàn cầu ngắm đến.
Việt Nam hiện là “điểm giao” của nhiều FTA, với việc là thành viên của các hiệp định: CPTPP, EVFTA và nhiều hiệp định thương mại tự do khác sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường và không bị ràng buộc bởi những hàng rào thuế quan. Với các cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh của việc giảm thuế mang lại. Ngoài ra, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập khẩu tiếp cận nguyên liệu giá rẻ hơn.
Việt Nam còn có lợi thế so sánh về chi phí khi thu hút vốn FDI. Nhờ chi phí đầu tư và chi phí vận hành vẫn ở mức tương đối thấp giúp kèm theo ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam gia nhập trong thời gian qua đã củng cố thêm sức hút đầu của các nhà tư nước ngoài vào Việt Nam.
Và số liệu thực tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Đây là một tín hiệu tích cực sau 2 năm bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thứ 3, nâng hạng thị trường là mục tiêu của Chính Phủ.
Trên thế giới các thị trường tài chính được xếp hạng vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market).
Có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones. Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm. Mỗi tổ chức có một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng nhưng đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn,...
Theo đánh giá và phân loại của MSCI, trên thế giới có khoảng 190 quốc gia có thị trường chứng khoán. Các thị trường chứng khoán này được xếp vào 3 nhóm như sau:
Thị trường cận biên – Frontier market (FM): Những thị trường có chỉ số MSCI thấp nhất, đang ở giai đoạn đầu phát triển và mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường mới nổi – Emerging market (EM): Những thị trường có sự cải thiện về thanh khoản, tăng quy mô vốn hóa, mở cửa nhiều hơn cho nhà đầu tư nước ngoài và có khuôn khổ pháp lý tiến bộ hơn so với nhóm Thị trường Cận biên.
Thị trường phát triển – Developed market (DM): Những thị trường tạo ra khả năng tiếp cận cao nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, quy mô và thanh khoản cao, đảm bảo các điều kiện phát triển thị trường và nền kinh tế.
Hiện tại, Việt Nam vẫn còn nhiều tiêu chí chưa thỏa mãn theo hệ thống tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng.
Xét theo bộ tiêu chí xếp hạng của MSCI, Việt Nam chỉ mới hoàn thành 8/17 tiêu chí mà thôi, vẫn còn hơn một nửa số tiêu chí phải cải thiện. Một số tiêu chí cần cải thiện là:
Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện;
TTCK bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại;
Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối;
Đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD;
Quy định thị trường và dòng thông tin bằng Tiếng Anh;
Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền.
Theo bộ tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell, Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng. Hai tiêu chí còn lại là “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “Hạn chế” và tiêu chí “Thanh toán – Tỉ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá. Nguyên nhân là do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.
Mục tiêu từ Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành nâng hạng Thị trường Chứng khoán tới năm 2025. Lộ trình nâng hạng này đã được đưa vào dự thảo “Chiến lược Phát triển TTCK tới 2030” và đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 30/5/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đưa ra nhiệm vụ cho các ban ngành có liên quan phối hợp với nhau để Thị trường Chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng lên Thị trường Mới nổi.
Tiềm năng tương lai, nâng hạng thị trường là cách xây dựng hình ảnh cho thị trường tài chính quốc gia và tác động trực tiếp lên khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài.
Các thị trường EM có quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn FM, trong khi tiềm năng tăng trưởng lại cao hơn DM. Dòng vốn mà các EM thu hút được có có tính ổn định hơn, so với những dòng tiền nóng đầu tư vào các thị trường FM. Các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động, tiêu biểu như các ETFs, hiện tập trung đầu tư vào các thị trường EM cũng sẽ tự động phân bổ một phần vốn vào các thị trường mới được nâng hạng lên EM.
Hơn nữa, để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường lên EM, bên cạnh tăng quy mô, tính thanh khoản hay mức độ tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam còn có áp lực phải cải thiện các điều kiện giao dịch như hệ thống vận hành, khung thể chế, tính minh bạch về thông tin.
Trong quá trình xem xét, các tổ chức xếp hạng cũng chủ động hỗ trợ các quốc gia hiểu được tình trạng hiện tại cũng như các tiêu chuẩn cần đạt được để có những thay đổi thích hợp. Quá trình này là tác nhân chính giúp các thị trường FM được hưởng lợi từ việc nâng hạng, trong khi quyết định nâng hạng chỉ đóng vai trò xác nhận các điều kiện trên.
Tóm lại, việc nâng hạng thị trường không chỉ thu hút thêm dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, mà còn là quá trình thực hiện nhiều thay đổi lớn, hội nhập quốc tế và giúp cho thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, lành mạnh và có sức hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nói chung.
Thứ 4, nhận thức tài chính của người dân ngày càng nâng cao.
Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong tháng 8 vừa qua, số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở mới đạt 155.456 tài khoản, sau khi đạt đỉnh hơn 450 nghìn tài khoản thiết lập vào tháng 5,6/2022.
Tính đến hết tháng 8, tổng số tài khoản chứng khoán của Việt Nam/Tổng dân số là 6.53%, trong đó số tài khoản không hoạt động và số nhà đầu tư sở hữu nhiều tài khoản khá cao nên theo đánh giá của nhiều bên thì số lượng người dân tham gia vào thị trường thấp hơn số trên nhiều.
Đáng nói hơn là trong năm 2017 Việt Nam chỉ có 1,890,521 tài khoản giao dịch chứng khoán, chiếm 2% tổng dân số. Điều này cho thấy dân số Việt Nam ngày càng được nâng cao nhận thức về tài chính. Với sự phát triển của công nghệ và dân trí, hiểu biết tài chính của người Việt sẽ còn nhiều cải thiện và thị trường chứng khoán sẽ vẫn là 1 kênh đầu tư hấp dẫn với phần đông dân số trong dài hạn.
Cuối cùng, định giá thị trường hiện tại là tương đối rẻ nếu nhìn câu chuyện trung và dài hạn.
Nhìn lại diễn biến P/E VN-Index trong lịch sử, P/E hiện tại đang khá rẻ vì thấp hơn trung bình 10 năm (15.0 lần) và đang tiến sát về mức đáy 12.5 lần (trung bình trừ 1 độ lệch chuẩn).
Về tương quan trong khu vực, định giá P/E của Việt Nam vẫn ở mức tốt so với các nước đang phát triển.
Vì vậy, định giá thị trường đang khá rẻ trong nhiều năm khi so sánh với chính nó và tương quan với các thị trường khu vực. Với triển vọng kinh tế và nhiều câu chuyện kể trên thì với định giá tương đối rẻ, câu chuyện trung dài hạn của thị trường là “hấp dẫn”.
Lưu ý nhà đầu tư
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance
Comments