top of page

Báo cáo tuần 05.12 - 09.12.2022

FIDT nhận định


Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 36.38% (tiếp tục giảm so với tuần trước).


Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư có thể phân bổ cổ phiếu với tỷ trọng 60-70% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.



Về động lượng:



RMS cải thiện lớn nhờ vào các yếu tố động lượngTA, ở đây được lý giải bởi 2 nhân tố chính:

  • Thị trường phục hồi mạnh sau khi chạm mức định giá "quá rẻ" -2 độ lệch chuẩn về P/B.

  • Việc định giá rẻ đã kích thích dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt sau khi đồng USD đã hạ nhiệt.



Tuy nhiên, các thang điểm vĩ mô chưa cải thiện. Do đó, FIDT đánh giá đây là đợt phục hồi ngắn hạn sau khi thị trường định giá rẻ kết hợp với dòng vốn ngoại hơn là 1 uptrend lớn cần yếu tố vĩ mô tích cực rõ ràng hơn.

Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.

Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.

 

Vĩ mô quốc tế



Tuần vừa qua, một trong những thông tin được giới đầu tư quan sát là bài phát biểu của chủ tịch Fed. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh lại những ý như đã được giới đầu tư kỳ vọng trước đây về việc tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại từ tháng 12 này và lãi suất cao nhất (terminal rate) có thể sẽ cao hơn.


Điều quan trọng trong bài phát biểu này là chủ tịch Fed phân tích về lạm phát để chúng ta hiểu được các yếu tố nào Fed đang quan tâm. Ở đây, FIDT đi sâu vào phân tích yếu tố nào NĐT cần quan tâm về chính sách tiền tệ của Fed:


Trước hết Fed phân lạm phát lõi (core PCE) làm 3 cấu phần chính là:

  • Hàng hóa lõi (core goods)

  • Dịch vụ nhà ở (housing services)

  • Dịch vụ lõi ngoài nhà ở (core services less housing)



Trong đó quan điểm của Fed về 3 cấu phần này như sau:

  1. Lạm phát giá hàng hóa khả năng cao đã qua đỉnh và trend giảm sẽ tiếp tục trong các tháng tới khi (1) chuỗi cung ứng đã tương đối ổn định trở lại sau dịch (2) giá hàng hóa nhập khẩu đã giảm

  2. Lạm phát giá dịch vụ nhà ở vẫn tiếp tục tăng có thể kéo đến 2023 sau đó giảm dần do độ trễ trong phản ánh giữa giá nhà cho thuê mới và phản ánh vào PCE (lagging). Hiện tại giá cho thuê mới đã giảm đi đáng kể nên cấu phần lạm phát này sẽ giảm áp lực dần vào 2023.

  3. Lạm phát dịch vụ lõi ngoài nhà ở chính là cấu phần Fed đang quan tâm vì cấu phần này chiếm hơn 50% tỷ trọng PCE lõi và là cấu phần quan trọng nhất quyết định xu hướng tương lai của lạm phát PCE lõi.



Đặc tính của cấu phần này là chi phí lương đóng góp lớn nhất vào chi phí hình thành nên các dịch vụ này. Do đó, thị trường việc làm và lương sẽ là yếu tố then chốt và Fed sẽ quan tâm đến các yếu tố liên quan việc làm và tiền lương để nhận định về hiệu quả của chính sách và độ thành công của việc "kill" lạm phát.


Chính vì yếu tố này mà thị trường Mỹ phản ánh tiêu cực nhanh với 2 thông tin được công bố vào thứ 6 là:

  • Số lượng việc làm mới được gia tăng

  • Thu nhập của lao động

Thứ 1, số lượng việc làm tăng thêm trong tháng 11 là 263k việc làm mới, tuy đã giảm so với cuối 2021 đầu 2022 nhưng vượt xa kỳ vọng của giới đầu tư ở mức 200k. Việc làm mới được tao ra ở cả khu vực tư nhân và khu vực công.



Thứ 2, thu nhập của người lao động tiếp tục gia tăng.



Qua đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức 3.7% vẫn là mức thấp trong lịch sử. Điều này cho thấy áp lực lên lạm phát còn "tiềm ẩn".



FIDT quan điểm rằng thị trường việc làm của Mỹ tuy vẫn rất mạnh nhưng Fed vẫn hạ nhiệt tốc độ tăng lãi suất ở mức 0.5% vào tháng 12 này vì bản thân Fed cũng thừa nhận độ trễ (lagging) của các chính sách tiền tệ và Fed cần tăng chậm lại để quan sát tác động. Và việc này sẽ giúp áp lực tỷ giá và lãi suất lên thị trường Việt Nam sẽ giảm đi so với giai đoạn trước.

Một chỉ báo khác hỗ trợ cho việc tình trạng việc làm Mỹ sẽ dần bị ảnh hưởng là triển vọng kinh tế đang xấu đi, phản ánh qua chỉ số đơn đặt hàng mới.



Theo đó, chỉ số này đã duy trì liên tục quanh vùng 50 hoặc thấp hơn cho thấy sự tăng trưởng sản xuất chững lại và có dấu hiệu sụt giảm. Điều này sẽ kéo theo tình trạng thị trường việc làm sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng, chưa kể đến làn sóng sa thải đang diễn ra trong giới công nghệ Mỹ.


Về tình hình chống dịch của Trung Quốc thì sau làn sóng biểu tình thì chính quyền Bắc Kinh đã có những động thái khá rõ về việc sẽ giảm nhẹ các hình thức chống dịch và dần mở cửa "reopening". Điều này sẽ giúp việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được khắc phục.


Với Việc Nam thì việc Trung Quốc mở cửa sẽ xen lẫn những thuận lợi và bất lợi, nhưng những ảnh hưởng rõ ràng nhất sẽ là khách quốc tế từ TQ trở lại sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam bùng nổ. Điều này chúng ta đã chứng kiến làn sóng du lịch "trả thù" ở các nước phương tây và du lịch nội địa.


Lưu ý rằng cán cân dịch vụ thường thâm hụt rất lớn và Việt Nam cần dòng vốn quốc tế từ du lịch này để bù đắp và khi khách du lịch Trung Quốc trở lại Việt Nam sẽ giúp cho cán cân thanh toán của Việt Nam đỡ áp lực hơn và có dòng tiền USD chảy vào.



Vĩ mô Việt Nam



Lạm phát giá tiêu dùng ở Việt Nam tiếp tục gia tăng. Trong tháng 11, CPI tăng 4.37% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0.39% so với tháng trước.




So với cùng kỳ năm trước, giá lương thực thực phẩm (cột xanh đen) vẫn là yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng chỉ số CPI. Tuy nhiên, giá lương thực thực phẩm đã bắt đầu chững lại từ tháng 10.


Giá xăng dầu (yếu tố chính vào giá giao thông màu đỏ) đã hạ nhiệt dần sau nhiều tháng tăng nóng và hiện không làm lạm phát CPI tăng nhiều.


Một cấu phần đang "trỗi dậy" là giá dịch vụ nhà ở và VLXD, cũng khá tương đồng với Mỹ khi giá nhà và thị trường BĐS đã hạ nhiệt nhưng giá cho thuê đang phản ánh vào cấu phần này của CPI.


Theo số liệu lạm phát hiện tại, FIDT cho rằng lạm phát của Việt Nam tương đối ổn định trong năm 2022. Năm 2023 áp lực lạm phát phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả nhiên liệu và một số hàng hóa do nhà nước điều tiết. Cụ thể ở đây là giá điện vốn có tác động lan tỏa rất lớn vào giá cả của toàn nền kinh tế. Việc chính phủ không tăng giá điện đã góp phần khá lớn vào kềm chế lạm phát năm nay, tuy nhiên giá điện có thể sẽ tăng vào 2023 và cần theo dõi thêm.


Bán lẻ, theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn tăng trưởng tốt trong tháng 11. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và GDP Quý 4 này xác suất cao sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.



Nhưng triển vọng đã bắt đầu bị ảnh hưởng do nền kinh tế toàn cầu khi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn.



Theo đó, chỉ số PMI (chỉ số khảo sát các nhà quản trị mua hàng) trong tháng 11 cho thấy các doanh nghiệp có cái nhìn tiêu cực hơn về triển vọng sản xuất và kinh doanh. Chỉ số này giảm khá mạnh về mức 47.4, phản ánh triển vọng thu hẹp sản xuất. Điều này phản ánh sự tiêu cực ở 3 cấu phần (1) số đơn đặt hàng giảm sút (2) sản lượng sản xuất giảm (3) niềm tin kinh doanh suy giảm.


Và chúng ta thấy rất rõ làn sóng sa thải, giảm giờ làm, cho nghỉ tết sớm ở các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu các mặt hàng không thiết yếu, và làn sóng này có thể tiếp diễn sắp tới.


Do đó, triển vọng ngành sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng không thiết yếu chưa sáng như dệt may, gỗ.


Điểm sáng tuần qua là câu chuyện tỷ giá giảm



Tỷ giá bán trong hệ thống ngân hàng và chợ đen đồng loạt giảm sâu cuối tuần qua từ (1) đồng USD hạ nhiệt trên phạm vi toàn cầu (2) dòng vốn chảy vào (inflow) làm giảm áp lực kết hợp với một số NHTM bán USD giảm áp lực tỷ giá.


Với việc tỷ giá hạ nhiệt, NHNN sẽ có nhiều dư địa hơn trong các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là cung tiền và tín dụng.



Về định giá thị trường




Theo đó, định giá của VNIndex đã hồi phục khá rõ khi giảm về vùng định giá hấp dẫn.

 

Lưu ý nhà đầu tư


Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance

תגובות


bottom of page