top of page

Báo cáo tuần 06.02 - 10.02.2023

FIDT nhận định


Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 43.63% (tăng mạnh so với tuần trước đó).


Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu với tỷ trọng 30-50% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.



Rủi ro gia tăng theo RMS do:

  • Các yếu tố TA giảm độ tích cực

  • Vĩ mô quốc tế có các yếu tố không thuận lợi, kết hợp với rủi ro từ các biến động trong nước.


Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.

Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.

 

Vĩ mô quốc tế



Tuần qua sự chú ý đổ dồn về Mỹ với các thông tin quan trọng:

(1) quyết sách lãi suất của FOMC và

(2) số liệu thị trường lao động Mỹ tháng 1/23.


Về Quyết định tăng lãi suất thêm 0.25% và bài phát biểu của chủ tịch Fed có phần "bồ câu" hơn trước đây đã khiến thị trường phản ứng tích cực như FIDT đã thông tin.



Theo đó FIDT đã nhận định, việc giữ lãi suất cao ở vùng đỉnh kéo dài bao lâu phụ thuộc nhiều vào:

(1) tốc độ hạ nhiệt của lạm phát ở các tháng tiếp theo

(2) tình trạng thị trường lao động của Mỹ cân bằng cung cầu

(3) độ hạ nhiệt của kinh tế Mỹ



Và yếu tố số 2 trong nhận định của FIDT về thị trường việc làm được công bố cuối tuần qua cho thấy thị trường việc làm của Mỹ rất mạnh mẽ và việc này có thể khiến lãi suất cao kéo dài lâu hơn.


Theo đó, thị trường hàng hóa, chứng khoán đã phản ánh tiêu cực với dữ liệu này, trong khi sức mạnh đồng USD được hỗ trợ bởi thông tin này và có mức phục hồi nhất định



Để đánh giá tác động, FIDT đi vào phân tích dữ liệu việc làm của Mỹ tháng 01/2023.



Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1 giảm về 3.4% là mức thấp nhất trong vòng 53 năm trở lại đây, cho thấy thị trường việc làm Mỹ đang rất mạnh và cầu lao động đang rất lớn. Tình trạng mất cân bằng cung-cầu của thị trường lao động Mỹ tiếp tục diễn ra, câu chuyện được chủ tịch Fed nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các phát biểu gần đây của ông.


Lịch sử về tỷ lệ thất nghiệp cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục giảm hoặc duy trì mức thất nghiệp thấp ngay cả khi Fed nâng lãi suất và thường bị ảnh hưởng khá trễ và thất nghiệp thường chỉ tăng sau khi Fed đã kết thúc quá trình thắt chặt tiền tệ.


Do đó, tỷ lệ thất nghiệp thấp ngay cả khi Fed tăng lãi suất thì lịch sử cho thấy đây là việc thường xuyên diễn ra.

Đi sâu vào phân tích dữ liệu việc làm của Mỹ thấy nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn. Tháng 1/23, Mỹ tạo ra 517k việc làm mới, vượt rất xa con số dự báo của thị trường 185k việc và tăng mạnh trở lại sau nhiều tháng số việc làm mới đã hạ nhiệt đáng kể.



Số lượng việc làm mới tăng thêm ở hầu hết các ngành, mạnh nhất ở lĩnh vực ăn uống, vui chơi giả trí, giáo dục và y tế, bán lẻ. Mảng công nghệ thông tin, truyền thông chứng kiến số lượng việc làm suy giảm như làn sóng sa thải chúng ta đang thấy hiện nay.



Việc lượng việc làm mới tăng mạnh ở lĩnh vực thuộc dịch vụ lõi như trên sẽ tiếp tục là mối lo ngại của Fed khi có thể tạo ra vòng xoáy tăng lương và lạm phát. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến lo ngại của thị trường trước việc dữ liệu có thể khiến Fed "diều hâu" hơn.


Phân tích dữ liệu trên, FIDT đánh giá:


  • Dữ liệu việc làm trên có thể khiến thị trường phản ánh tiêu cực, tuy nhiên theo quá khứ thì thị trường việc thường bị ảnh hưởng chậm (lagging) so với chính sách của Fed và Fed sẽ nâng lãi suất như các dự báo và duy trì lãi suất cao để đánh giá tác động của chính sách.

  • Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất như kế hoạch và các phản ánh của số liệu này vào thị trường sẽ mang tính ngắn hạn.



Vĩ mô Việt Nam



Về định giá của Vn-Index



Định giá theo P/B của thị trường vẫn ở mức tương đối rẻ nhưng đã có những bước phục hồi nhất định từ đáy.


Lưu ý: định giá P/B giảm trong những ngày gần đây 1 phần nhờ vào tác động của việc phản ánh BCTC quý 4 của các doanh nghiệp niêm yết (qua đó B - giá trị book value tăng khiến P/B giảm)



P/E của Vn-Index tăng 1 phần do phản ánh lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn đang bị ảnh hưởng khiến EPS giảm. Và với lợi nhuận biến động mạnh có thể khiến chỉ số P/E biến động mạnh. Do đó, trong những giai đoạn khó khăn chúng tôi khuyến nghị dùng chỉ số P/B mang tính tin cậy hơn khi phân tích độ mắc/rẻ của thị trường.


Bức tranh lợi nhuận ngân hàng niêm yết


Trong báo cáo tuần này, chúng tôi đi sâu vào nhìn lại bức tranh ngành ngân hàng trong năm 2022 và triển vọng ngành này trong năm 2023.


Ngành ngân hàng hiện chiếm hơn 40% lợi nhuận toàn Vn-Index. Do đó, việc nhìn lại kết quả nhóm này và bức tranh của các ngân hàng 2023 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dự phóng thị trường.



FIDT đi vào đánh giá kết quả tổng của 27 ngân hàng đang niêm yết trên 3 sàn (Hose, HNX, Upcom) để đưa ra bức tranh hiện tại và tiềm năng ngành.



Lợi nhuận của ngành ngân hàng đã chính thức xác nhận đỉnh vào Quý 1/2022 với Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đạt 68 nghìn tỷ (đường màu tím) và sau đó lợi nhuận giảm dần và đạt mức 54 nghìn tỷ vào Quý 4 2022.


Tính chung cả năm, LNTT của 27 ngân hàng đạt 246 nghìn tỷ, tăng 33.5% so với 2021. Đây là động lực lớn giúp lợi nhuận toàn thị trường và duy trì tăng trưởng EPS cao của thị trường Việt Nam.


Xét về thu nhập lãi thuần thì thu nhập lãi thuần của các ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng trong các quý cuối 2022 dù lợi nhuận đang suy giảm giảm (cột màu cam). Điều này cho thấy NIM của ngành ngân hàng trong các quý gần đây không bị ảnh hưởng nhiều khi nền lãi suất tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần đợi thêm KQKD quý 1/2023 để thấy rõ hơn tác động đến NIM của ngành.


Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của 27 ngân hàng niêm yết cũng chưa có dấu hiệu suy giảm và có xu hướng đi ngang. Điều này cho thấy thu nhập lãi vẫn tăng nhưng các thu nhập khác của bank đã suy giảm khi thị trường khó khăn.


Vậy nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận bank đạt đỉnh quý 1 và giảm dần đến quý 4 2022 là do chi phí gia tăng. Nhìn trên hình sẽ thấy rõ chi phí hoạt động (xanh đậm) và chi phí dự phòng (xanh nhạt) tiếp tục gia tăng.


Chi phí dự phòng tăng do rủi ro chất lượng tài sản suy giảm khi lãi suất tăng cao, điều này là hợp lý trước các rủi ro kinh tế và thị trường bất động sản.


Dựa trên KQKD trên, FIDT cho rằng kết quả kinh doanh các quý đầu 2023 sẽ tiếp tục tương đối khó khăn vơi ngành khi áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục cao và NIM khó có thể mở rộng.


Về chất lượng dư nợ của 27 ngân hàng niêm yết



Nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 1.6% cuối năm 2022, đây là mức trung bình của các quý trước đó và chưa có sự gia tăng đáng kể. Do đó chất lượng tài sản đến cuối Quý 4/2022 của các ngân hàng vẫn được đánh giá là tương đối tốt. Tuy nhiên, chất lượng nợ tương lai cần chú ý khi nợ nhóm 2 tiếp tục gia tăng và đạt 1.8% tổng dư nợ cho vay vào cuối năm.


Nợ nhóm 2 gia tăng là dấu hiệu ban đầu cho thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể sụt giảm trong tương lai. Và đây là những phản ánh ban đầu của những khó khăn của thị trường BĐS và của nền kinh tế khi lãi suất bắt đầu tăng mạnh giữa qúy 4.



Về sự chuẩn bị cho những rủi ro tiềm ẩn, tính đến cuối 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 27 ngân hàng đạt 123% (>100%). Đây là mức bao phủ nợ xấu rất tốt và cho thấy sự sẵn sàng đối phó với khó khăn của ngành trong tương lai (tỷ lệ bao phủ nợ xấu liên tục duy trì trên mức 100% từ Q4.2022).


Để có góc nhìn rõ hơn về chất lượng tài sản của các ngân hàng, FIDT đi vào phân tích nợ xấu mới hình thành trong quý và quá trình xử lý nợ xấu theo quý.



Qua đó, trong Quý 4 nợ xấu mới tăng thêm hơn 56k tỷ. Con số này tăng đột biến và lớn hơn nhiều số nợ xấu hình thành trong Q3.2021 khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi lệnh lockdown.


Từ những số liệu trên đây, chúng tôi cho rằng xu hướng nợ nhóm 2 và nợ xấu mới hình thành sẽ tiếp tục cao trong quý 1/2023 và có thể kéo dài sang quý 2/2023 khiến áp lực trích lập dự phòng trong 2 quý đầu năm theo chúng tôi đánh giá là vẫn còn lớn và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 2 quý này.


Do đó, lợi nhuân toàn thị trường có thể bị ảnh hưởng trong Quý 1 và quý 2 năm 2023 so với nền cao của năm 2022. Và việc này có thể khiến chỉ số P/E forward có thể tăng trong tương lai.


Trong những giai đoạn này, định giá P/B đáng tin cậy hơn và như báo cáo chiến lược của FIDT thì thị trường năm 2023 phục hồi từ hoảng loạn và định giá rẻ hơn là triển vọng lợi nhuận tăng trưởng.



Nhìn lại lịch sử, định giá Vn-Index phục hồi sẽ thường đi kèm nhiều biến động chỉ số chứng khoán cũng như định giá P/B. Do đó, chiến lược đầu 2023 vẫn nên là mua trong các nhịp giảm sâu và không nên mua đuổi).


FIDT sẽ gửi đến NĐT bài phân tích so sánh giữa các ngân hàng chi tiết trong tuần tới. Danh mục đầu tư và danh mục tích sản sẽ được FIDT thông báo đầu ngày/tuần giao dịch để NĐT tiện theo dõi.

 

Lưu ý nhà đầu tư


Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance

Comentarios


bottom of page