top of page

Báo cáo tuần 07.11 - 11.11.2022

FIDT nhận định


Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TIÊU CỰC, mức độ rủi ro 54.38% (tăng so với tuần trước).


Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục phân bổ cổ phiếu 20-30% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.


Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.

Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.

 

Vĩ mô quốc tế


1. Fed tiếp tục nâng lãi suất


Ngày 02/11/2022, Fed (FOMC) thông báo nâng lãi suất (FFR) lên mức 3.75% - 4.00%, mức nâng 0.75% vốn. Điều này cũng không quá bất ngờ so với kỳ vọng của thị trường trước đó.


Thay vào đó thị trường sẽ quan tâm hơn về bài phát biểu của chủ tịch Fed về quan điểm và kỳ vọng của Fed trong thời gian sắp tới. Trong bài phát biểu, ông Powell đưa ra thông điệp rõ ràng (1) tiếp tục diều hâu (2) mức lãi suất cuối (cao nhất) sẽ cao hơn (3) mức độ tăng lãi suất sẽ chậm hơn. Cụ thể:


  • Còn quá sớm để ngưng nâng lãi suất và cần tăng đến khi đạt được mục tiêu kềm chế lạm phát (mục tiêu lạm phát dài hạn quanh 2%).

  • Mức lãi suất cao nhất (terminal rate) có thể vượt mức 4.75% (mức trung bình do các thành viên FOMC đưa ra trong cuộc họp tháng 9).

  • Mức tăng có thể hạ nhiệt (<0.75%) trong các cuộc họp sắp tới (tháng 12/2022 hoặc tháng 2/2013 ).

  • Cửa hạ cánh mềm đang thu hẹp dần và cần chuẩn bị (cho recession).


Trong các ý chính trên thì ý được quan tâm sẽ là mức độ nâng lãi suất sẽ nhẹ hơn và lãi suất nâng lên cao nhất vượt kỳ vọng hồi tháng 9.

Với phản ánh của thị trường tương lai lãi suất thì thị trường đang kỳ vọng lãi suất cao nhất (terminal rate) ở mức 5-5.25% đạt được vào gần giữa 2023 và bài phát biểu của ông Powell khá đồng thuận với phản ánh của thị trường.


Theo đó, mức lãi suất cao nhất, cao hơn mức dự phóng hồi tháng 9 là 0.5%.



Nhìn vào mức lãi suất này với lịch sử hơn 20 năm nay thì:

  • Có 2 đợt Fed nâng lãi suất 2004-2006 và 2016-2018 nhưng nâng chậm hơn với mỗi mức nâng thấp hơn hiện tại nhiều (độ dốc thấp hơn).

  • Hai lần Fed nâng lãi suất lên cao và duy trì vùng cao đều gây ra suy thoái sau đó (vùng màu xám trên hình).


Từ đây chúng ta thấy rõ ràng với động thái của Fed tiếp tục nâng lãi suất lên và được dự báo trên 5% vào 2023 thì (1) xác suất suy thoái sau đó là rất cao, (2) tốc độ nâng lãi suất của Fed là cao nhất trong hơn 20 năm nay. Với tốc độ nâng lãi suất như hiện tại, chúng ta cùng so sánh với các thập niên biến động trước đó.



FIDT xem lại lịch sử lãi suất của Fed hơn 50 năm qua và đưa ra so sánh thời điểm hiện tại với giai đoạn 1970s, 1980s. Thời kỳ này được gọi là thời siêu lạm phát ở Mỹ "the great inflation" với lạm phát kéo dài với đỉnh điểm lạm phát lên đến hơn 14% vào đầu những năm 1980s, đi kèm với nó là nhiều biến động địa chính trị lớn.


Xét trên nhiều góc độ, FIDT nhận định tình hình hiện nay sáng sủa hơn và chúng ta cũng chưa cần lo lắng đến việc lạm phát cao kéo dài hàng thập kỷ như giai đoạn đó và với các dự báo hiện tại thì lạm phát của Mỹ sẽ giảm căng thẳng dần khi nền của năm nay sẽ cao.

2. Thị trường lao động Mỹ


Như FIDT đã phân tích trước đây thì yếu tố được chúng tôi quan tâm để kỳ vọng vào sự thay đổi động thái của Fed nằm ở yếu tố việc làm và thất nghiệp. Do đó, trong bài phân tích tuần nay chúng tôi sẽ tập trung vào các số liệu việc làm vừa được Mỹ công bố.


Trước tiên nhìn vào số lượng việc làm đang tuyển:



Số liệu công bố tháng 9 cho thấy, số lượng việc làm cần tuyển (job openings) vẫn đang rất lớn ở mức 10.7 triệu, là mức tuyển dụng cao trong nhiều năm (vùng màu xanh phía trên).


Thứ 1, điểm cần quan tâm là biểu đồ cột phía dưới so sánh giữa số lượng việc làm mở mới với số lượng đang thất nghiệp. Tỷ lệ này đang ở đỉnh cao và tỷ lệ đang là 1.86 việc làm đang mở trên 1 người thất nghiệp, cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục mạnh số lượng tuyển dụng cao hơn nhiều số đang thất nghiệp.


Thứ 2 là số liệu về việc làm và thất nghiệp tháng 10.



Tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 ở Mỹ ở mức 3.7% (tăng 0.2% so với tháng 9), dù mức tăng chưa cao và còn ở mức rất thấp trong lịch sử nhưng cũng tạo tâm lý giải tỏa co nhiều thị trường tài sản cuối tuần qua.


Sau khi so sánh dữ liệu thất nghiệp hơn 40 năm qua thì đây vẫn là mức rất thấp và thất nghiệp cần tăng lên hơn nữa trước khi có thể tác động mạnh đến chính sách của FED.


Trong tháng 10, nước Mỹ có thêm 261 nghìn việc làm và lĩnh vực dịch vụ tiếp tục là động lực chính của thị trường lao động. Tuy nhiên, số lượng việc làm mới gia tăng từ tháng 8-10 đã thấp hơn đáng kể so với trước đó.



Ngoài số lượng, FIDT cũng phân tích các yếu tố về chất lượng của thị trường làm động:

  • Số giờ làm việc trung bình của người lao động Mỹ (cột xanh) vẫn khá tốt ở mức bình quân trong hơn 10 năm qua cho thấy chưa có sự cắt giảm giờ làm đáng kể.

  • Thu nhập (đường cam) vẫn tăng "khá ổn" từ 2021-nay, mức "khá ổn" này cần được so sánh với mức độ tăng giá cả CPI.



Theo đó, FIDT dùng đầu 2021 làm cột mốc để so sánh tốc độ tăng giá cả hàng hóa và tăng thu nhập của người lao động Mỹ. Theo đó, từ đầu 2021-nay, thu nhập tăng 7.3% trong khi giá cả (CPI) tăng 14.17%. Do đó, câu chuyện trên báo chí về người tiêu dùng Mỹ hiện tại xoay quanh cắt giảm chi tiêu, sử dụng tiền tiết kiệm, vay tiêu dùng/thẻ tín dụng đẻ bù đắp chi tiêu.


Nhận xét chung về thị trường việc làm tại Mỹ, FIDT cho rằng thị trường việc làm tại Mỹ còn rất tốt và mặc dù có nhiều thông tin về kế hoạch cắt giảm nhân sự (đặc biệt làm mảng công nghệ, tài chính) từ đầu tháng 11 nhưng vẫn còn quá sớm để nói yếu tố việc làm sẽ khiến Fed "bồ câu".


Vĩ mô Việt Nam



Thị trường Việt Nam hiện tại giảm sâu hơn nhiều nước thì ngoài các ảnh hưởng quốc tế nhiều yếu tố nội tại đang tác động mạnh. Từ vụ việc Vạn Thịnh Phát, rủi ro thị trường trái phiếu, đến câu chuyện tỷ giá và câu chuyện được thị trường quan tâm hiện tại là thanh khoản và chuyện tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) của hệ thống ngân hàng.




Trên đây là số liệu về tăng cung tiền M2 (tính đến 20/09/2022) và tăng trưởng tín dụng (25/10/2022). Theo đó:

  • Tốc độ tăng cung tiền trong 9 tháng đầu 2022 là thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (đặc biệt cung tiền giảm từ tháng 6 đến 20/9).

  • Ngược lại tín dụng đang trong 10 tháng đầu năm chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây

FIDT quan tâm và liên tục thông tin đến quý nhà đầu tư về định giá, các nhà đầu tư có thể tham khảo định giá của Vnindex cũng như định giá theo ngành nghề trong mục Data của FIDT tại đây.


Trong bài hôm nay FIDT sẽ phân tích chi tiết hơn về thống kê định giá đối với chỉ số VNIndex.


1. Đinh giá P/E


Hiện tại, P/E của VNIndex ở mức 10.39 là mức thấp dưới -2 độ lệch chuẩn.




Trên đây là biểu đồ histogram, nó đếm số phiên P/B của thị trường tương ứng với vùng giá trị bên dưới. Từ đó chúng ta sẽ thấy được xác suất xảy ra các vùng định giá cao thấp khác nhau.


Theo đó, thống kê lại từ đầu 2015- nay, VNIndex giao dịch tổng cộng 1960 ngày, trong đó chỉ có 7 ngày P/E thị trường từ mức 10.4 trở xuống, tương ứng xác suất mức định giá rẻ này chỉ xảy ra 0.36%.


Trong giai đoạn thị trường nhiều rủi ro thì định giá P/B có độ tin cậy cao hơn, do đó FIDT tiếp tục phân tích chỉ số P/B.


2. Định giá P/B


Mức P/B hiện tại của VNIndex là 1.6, hiện cao hơn mức đáy dịch Covid là 5.6% và cao hơn 7.5% so với mức -2 độ lệch chuẩn.



Đây rõ ràng là mức định giá rẻ, vậy data nói gì với chúng ta về mức định giá P/B 1.6?



Biểu đồ histogram cho chúng ta thấy, trong 1960 ngày giao dich của thị trường, chỉ có 11 ngày P/B của thị trường đóng cửa ở mức 1.6 hoặc thấp hơn, với xác suất xảy ra chỉ là 0.56%.


Chúng tôi hiện ít dùng data cũ hơn do tính chất thị trường giai đoạn trước đó rất khác hiện nay với quy mô vốn hóa, số lượng cổ phiếu niêm yết, chất lượng niêm yết và công bố thông tin, thành phần tham gia thị trường. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư hiện đang lo lắng về rủi ro liên quan đến thị trường BĐS và liên đới ngân hàng vốn là câu chuyện xảy ra trong những năm 2011-2013. Do đó, FIDT sẽ phân tích thêm góc nhìn dựa trên data P/B bao phủ giai đoạn này.




Theo đó, nếu tính từ tháng 04/2009-nay thì VNIndex giao dịch tổng 3,387 ngày với 254 ngày P/B của thị trường bằng hoặc dưới mức 1.6, tương đương xác suất xảy ra là 7.5%.


Trong đó, phân bổ P/B ở vùng thấp chủ yếu trong giai đoạn cuối 2011 đến đầu 2013, đi kèm với đó là nợ xấu hệ thống ngân hàng gia tăng, lãi suất cho vay có nhiều giai đoạn lên hơn 20%, huy động cũng có lúc 15-18% và thị trường BĐS đổ vỡ và trải qua một mùa đông khá dài.


FIDT cho rằng, ở thời điểm hiện tại, khả năng kiểm soát của NHNN tốt hơn giai đoạn trước và "bơm tiền" thấp hơn nhiều nên tình trạng sẽ không đến mức như giai đoạn đấy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần theo dõi thật kỹ diễn biến vĩ mô.

Với tất cả các data thống kê về định giá như trên, FIDT nhận định rằng:

  • Rủi ro vẫn còn phía trước và việc dự đoán ngắn hạn hiện nay là khó do nhiều yếu tố vĩ mô còn bất lợi và chưa rõ ràng.

  • Với xác suất định giá thấp như trên là thấp trong lịch sử là môi trường tốt cho việc đầu tư dài hạn và tích sản.

Việc đầu tư dài hạn trong những giai đoạn này cũng cần phân bổ làm nhiều lần bảo đảm sức mua và việc tích sản cũng cần tuân thủ nguyên tắc đều đặn mua trong các nhịp giảm sâu. Các nhà đầu tư quan tâm tham khảo danh mục tích sản của FIDT tại đây (danh mục sẽ được FIDT liên tục cập nhật).

 

Lưu ý nhà đầu tư


Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance

댓글


bottom of page