top of page

Báo cáo tuần 09.01 - 13.01.2023

FIDT nhận định


Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 33.25% (gảm so với tuần trước đó).


Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu với tỷ trọng 60-70% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.



RMS tăng nhờ vào việc đánh giá lại các triển vọng vĩ mô 2023 của Việt Nam (có tham khảo phân tích và dự phóng của nhiều tổ chức quốc tế).


Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.

Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.

 

Vĩ mô quốc tế



Trong báo cáo tuần này, FIDT đi sâu vào phân tích tình hình thị trường việc làm của Mỹ:



Số lượng việc làm tăng thêm trong tháng 12/2022 là 223 nghìn việc, đây là một trong những mức tăng thấp nhất trong 2 năm qua. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn cao hơn nhiều kỳ vọng của thị trường ở mức chỉ 180 nghìn việc.


Và mức tăng này vẫn gấp đôi mức 100 nghìn việc mà các nhà kinh tế cho rằng là con số mà Fed muốn nhìn thấy để tự tin về khả năng kiểm soát lạm phát.


Số lượng việc mới vẫn tăng mạnh mẽ bất chấp làn sóng sa thải (layoffs) vẫn đang diễn ra mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất là BĐS và tài chính.


Số lượng việc làm mới chủ yếu dẫn dắt bởi lĩnh vực du lịch, nghĩ dưỡng (+67k) và chăm sóc y tế (+55k).


Cùng với việc làm mới vẫn tăng mạnh mẽ, mức lương (thu nhập) theo giờ của người lao động Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 12 nhưng mức tăng đã chậm lại so với các tháng trước.



Tính chung cả năm 2022, thu nhập theo giờ của người lao động tăng 4.59% (đường màu xanh), thấp hơn nhiều mức tăng của giá tiêu dùng CPI (đường màu cam). Tốc độ tăng thu nhập thấp hơn giá tiêu dùng đã kéo dài 21 tháng liên tiếp kể từ 4/2021 (cột màu cam phía dưới) cho thấy lạm phát đã ảnh hưởng đến thụ hưởng của người tiêu dùng.



Kết hợp với tích lũy thặng dư dư thừa trong dịch đang giảm dần như chúng tôi đã phân tích trước đây, FIDT nhận định tiêu dùng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng rõ hơn từ Quý 2/2023.


Với thị trường việc làm còn đang tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp tháng 12 trở về mức 3.5% (vùng thấp lịch sử).


Vậy câu hỏi đặt ra là:

  • Có phải tỷ lệ thất nghiệp tăng mới khiến Fed dễ bồ câu hơn không (ngoài yếu tố lạm phát)?

  • Tỷ lệ thất nghiệp tăng bao nhiêu để nhà đầu tư tự tin về sự đảo chiều chính sách?

Để trả lời câu hỏi này FIDT phân tích data tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất của Fed (Effective Fed Funds Rate - EFFR) từ 1985 đến 2022.



Từ những diễn biến lịch sử, FIDT nhận thấy:

  • Fed thường tăng lãi suất khi thất nghiệp giảm thấp (thường đi kèm lạm phát do nền kinh tế tăng trưởng nóng)

  • Thất nghiệp vẫn thấp sau khi Fed đã tăng lãi suất và thường chỉ tăng mạnh trong suy thoái

  • Fed thường đã giảm lãi suất trước khi thất nghiệp tăng rõ rệt và suy thoái kinh tế bắt đầu

  • Lãi suất sẽ giảm mạnh hơn khi suy thoái xảy ra



Phân tích kỹ hơn vào 3 giai đoạn Fed nâng lãi suất thì:

  • Lãi suất đạt đỉnh vào đảo chiều lúc tỷ lệ thất nghiệp thấp và bắt đầu đi ngang (không tiếp tục giảm)

  • Kể từ khi lãi suất đạt đỉnh đến suy thoái hay tỷ lệ thất nghiệp tăng rõ rết thường mất 3 quý đến 2 năm

Điều này cho thấy độ trễ của chính sách trong lịch sử là lớn.


Với các phân tích trên, FIDT nhận định Fed sẽ đảo chiều chính sách sang "bồ câu" khi lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt đáng kể hơn là đợi các dấu hiệu suy thoái rõ ràng và thị trường việc làm cảm nhận được tác động (trừ các đợt suy thoái lớn - Khủng hoảng kinh tế).

Với thị trường chứng khoán là kỳ vọng tương lai thì thị trường gắn với chính sách hơn là con số GDP (vốn bị lagging mạnh như đã phân tích trên). Việc dùng GDP trong quyết định đầu tư nên được chọn lọc, thứ nhất hướng vào kỳ vọng GDP tương lai (có tính đến chính sách) và độ phản ánh của các công ty niêm yết đến GDP sẽ được chúng tôi phân tích trong phần trong nước.



Vĩ mô Việt Nam



1. Update về dư nợ tín dụng


Theo phát biểu của Thống đốc NHNN thì dự nợ tín dụng toàn hệ thống năm 2022 ước tăng 14.5%. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và cho thấy các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay trong tháng 12 với mức tăng riêng trong tháng 12 ước đạt 2.3%.



Năm 2023, NHNN định hướng Chính sách tiền tệ (CSTT) như sau:

  • Ưu tiên cao nhất cho đảm bảo thanh khoản, an toàn và ổn định cho hệ thống ngân hàng

  • Tiếp tục thực hiện CSTT linh hoạt

  • Tín dụng phù hợp và tập trung vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên

Việc này cho thấy NHNN tiếp tục điều hành theo hướng linh hoạt ("diều hâu" hay "bồ câu" tùy bối cảnh) nhưng vẫn theo hướng chính là hỗ trợ hệ thống và nền kinh tế.


Một vấn đề cần quan tâm là độ thâm dụng vốn của nền kinh tế. Theo đó, tỷ lệ dư nợ/GDP của Việt Nam liên tục tăng suốt 10 năm qua từ mức 75% đã lên đến hơn 125% cuối 2022.



Các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF, Ngân hàng Thế giới-WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam đang ở mức cao. Đây chính là lý do NHNN thường xuyên yêu cầu tín dụng phải hướng vào sản xuất kinh doanh và tránh tạo ra các bong bóng tài sản.


Và đây cũng là cơ hội cho thị trường Chứng khoán Việt Nam (cổ phiếu và trái phiếu) khi phải đóng vai trò là kênh dẫn vốn chính trong thập kỷ tới khi tỷ lệ dư nợ hệ thống ngân hàng/GDP đang quá cao.


Do đó, FIDT quan điểm thị trường cổ phiếu và trái phiếu sẽ là thị trường phát triển nhanh và nhiều tiềm năng trong nhiều năm tới.

2. Khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, gió chuyển tiếp


Ngày 07/01/2023, Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với mức giá trần như sau



Mức giá trần này theo ước tính của chúng tôi điện gió thấp hơn 21% so với FIT và điện mặt trời thấp hơn 29% so với FIT. Lưu ý đây là giá trần chứ không phải là giá mua điện cụ thể.



Các nhà máy điện/doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng này là các doanh nghiệp theo quy định tại hình trên, chủ yếu là đã ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN trước ngày 01/01/2021 đối với điện mặt trời và trước 01/11/2021 đối với điện gió.


FIDT nhận định:

  • Tin tức này tích cực với các DN điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp đang chờ đợi cơ chế

  • Mức giá tối đa trên được cho là mức tốt, hợp lý và các chủ đầu tư có lãi.

  • Giá trên là mức giá trần, cần đợi các Thông tư hướng dẫn thêm về đàm phán giá giữa EVN và chủ đầu tư.

Một số doanh nghiệp có thể hưởng lợi với Quyết định trên như BCG (Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3), T&T Group (Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3), Trung Nam (Dự án ĐMT 450MW), GEG (Krong Pa 2).


3. Một góc nhìn về GDP và thị trường chứng khoán Việt Nam


Thứ 1 là về cơ cấu, đóng góp của các cấu phần



Khi phân theo các ngành nghề kinh tế thì Công nghiệp chế biến chế tạo đang là ngành đóng góp lớn nhất cho GDP chiếm gần 25% tổng GDP năm 2022, tiếp theo là Bán buôn, bán lẻ và ô tô, xe máy với 9.62%.


Hai ngành tài chính, ngân hàng (4.76%) và BĐS + xây dựng (9.65%) tổng đóng góp 14.41% vào GDP.



Trong khi đó, ngành ngân hàng đóng góp lớn nhất 36,39% vốn hóa và BĐS đóng góp 20.88% vốn hóa, tổng là 57.27% vào vốn hóa của Vn-Index.


Thị trường dường như vắng bóng ông lớn Chế biến, chế tạo hay rất hạn chế các tên tuổi của lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ, ô tô, xe máy.


Xét về lợi nhuận của toàn thị trường thì ngành ngân hàng đóng góp hơn 40% lợi nhuận toàn Vn-Index.



Vì vậy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thiên hướng bị ảnh hưởng bởi 2 ngành lớn là ngân hàng và bất động sản hơn là GDP rất nhiều, và triển vọng 2 ngành này sẽ kéo theo triển vọng của Vn-Index.

Sự chênh lệch này đến từ nhiều nguyên nhân về niêm yết, có thể đến từ

  • Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo thuộc về sở hữu của vốn FDI (không niêm yết)

  • Ngành bán buôn bán lẻ được nhiều chủ đầu tư nước ngoài thâu tóm và thị trường Việt Nam bán lẻ còn non trẻ với hệ thống tạp hóa, chợ phân mảnh (không niêm yết), lĩnh vực sản xuất ô tô xe máy cũng thuộc FDI nhiều, và 2 doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam như Thaco hay Thành Công cũng không niêm yết.

Thứ 2 là độ nhạy cảm với lãi suất


Hai ngành lớn nhất trên thị trường là ngân hàng và BĐS chịu tác động đặc biệt lớn bởi lãi suất (interest rate-sensitive) và chính sách nên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nhạy cảm với lãi suất/chính sách hơn tổng thể nền kinh tế rất nhiều.


Với lãi suất, trong ngắn hạn, tính thanh khoản và giá BĐS phụ thuộc "cực kỳ" nhiều vào lãi suất và khả năng tiếp cận vốn. Với ngành ngân hàng, lãi suất thay đổi sẽ làm thay đổi lớn về NIM, lợi nhuận, chất lượng tài sản.


Với chính sách, hai ngành này luôn được Nhà nước quan tâm điều tiết nên các chính sách đối với 2 ngành này là yếu tố luôn ảnh hưởng mạnh.


Do đó, với cơ cấu vốn hóa và lợi nhuận của Vn-Index thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ "nhạy cảm" với lãi suất và chính sách liên quan rất nhiều (hơn hẵn tác động chung lên nền kinh tế).

Thứ 3 là GDP là dữ liệu quá khứ


GDP được công bố là GDP các quý trước vốn có độ trễ (lagging) rất lớn so với chính sách và thị trường chứng khoán sẽ "đi trước" GDP.


Do đó thị trường sẽ quan tâm đến số liệu GDP có thể đạt được trong tương lai (2023) và năm 2023 tăng trưởng GDP được dự báo sẽ khó hơn rất nhiều so với 2022.



Với mục tiêu tăng trưởng 2023 mức 6.5% là khá thách thức nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2015-2019.


Tuy nhiên trong Báo cáo chiến lược, chúng tôi vẫn khá lạc quan về Vn-Index 2023 vì đó thường là những đợt phục hồi sau các đợt hoảng loạn (panic) và mức độ đã phản ánh của thị trường đối với các triển vọng tiêu cực.

 

Lưu ý nhà đầu tư


Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance

Коментарі


bottom of page