FIDT nhận định
Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 34.25% (tiếp tục giảm nhẹ so với tuần trước).
Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu với tỷ trọng 60-70% trong danh mục đầu tư. NĐT xem Chi tiết đánh giá RMS tại đây.
RMS chỉ cải thiện nhẹ và chưa có nhiều biến động trong tuần vừa qua. Mức phân bổ 70% chúng tôi cho rằng là phù hợp.
Về danh mục đầu tư và triển vọng các nhóm ngành, khách hàng CCI vui lòng xem tại đây.
Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.
Vĩ mô quốc tế
Tuần qua, chứng kiến nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới quyết định chính sách lãi suất. Trong đó, Fed nâng lãi suất điều hành thêm 0.5%, lãi suất FFR hiện nay ở mức 4.25-4.5%. Trong hơn 20 năm qua, đây là một trong 3 lần thắt chặt chính sách mạnh từ Fed.
Hiện nay lãi suất FFR vẫn thấp hơn giai đoạn 2007 và đầu những năm 2000 nhưng đang là lần thắt chặt nhanh hơn nhiều khi lãi suất tăng thêm 4.15% chỉ trong vỏn vẹn 9 tháng.
Tính trên phạm vị toàn cầu thì từ đầu năm đến hết 17/12/2022, các ngân hàng Trung ương toàn cầu đã ra 352 quyết định nâng lãi suất và 15 quyết định cắt giảm lãi suất, chính sách tiền tệ trên phạm vi toàn cầu khá đồng pha với chính sách thắt chặt của Fed.
Sau khi Fed nâng lãi suất thì các ngân hàng Trung ương lớn của EU và Anh cũng có động thái tương tự nâng lãi suất thêm 0.5%.
Trong các quốc gia lớn thì Nhật Bản và Trung Quốc có hướng đi riêng. Nhật đứng ngoài xu hướng thắt chặt khi lãi suất của họ không thay đổi từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, lãi suất của Trung Quốc giảm khi nước này đang sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho nền kinh tế khi quốc gia này bị ảnh hưởng do chiến dịch zero Covid và rủi ro từ thị trường BĐS.
Với việc lãi suất điều hành các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đặt biệt là Fed được dự báo tăng và đạt đỉnh vào giữa 2023, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ không thể đứng ngoài và có thể nâng lãi suất điều hành thêm 0.5%-1% từ đây đến giữa 2023.
Với cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu thì chúng tôi nhận thấy lạm phát CPI tại các nước phát triển vẫn đang ở vùng cao tuy nhiên đã có dấu hiệu dần hạ nhiệt khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang phục hồi và giá dầu, nguyên vật liệu hạ nhiệt.
Trong khi đó, lạm phát trong khu vực (Asean-5 và Việt Nam) tăng thấp hơn giai đoạn đầu năm nhưng hiện tại vẫn ở vùng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng.
Về tình hình lạm phát toàn cầu chúng tôi cho rằng lạm phát sắp tới phụ thuộc nhiều vào biến số lớn là câu chuyện Trung Quốc mở cửa.
Trước tiên, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp cải thiện chuỗi cung ứng giúp làm giảm áp lực lạm phát do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc nước này mở cửa với nền sản xuất và tiêu dùng "to lớn" của họ phục hồi có thể gây áp lực "cầu" lớn và gâp áp lực lạm phát trở lại. Chúng tôi sẽ theo dõi các yếu tố này trong thời gian sắp tới và thông tin đến các nhà đầu tư.
Về kỳ vọng về thị trường cổ phiếu, khảo sát của Bloomberg cho thấy sự đồng thuận về sự tăng trưởng của chứng khoán Châu Á "tươi sáng" hơn thị trường Mỹ trong năm 2023, với 2 động lực chính:
Trung Quốc mở cửa
Sự yếu đi của đồng USD
Vĩ mô Việt Nam
Trước tiên câu chuyện Trung Quốc mở cửa đang được thị trường kỳ vọng. Chúng tôi nhận thấy sự nới lỏng "rõ rệt" các biện pháp phòng dịch của quốc gia này và sự kỳ vọng mở cửa lại nền kinh tế là có cở sở khá vững chắc. Nhận thấy rõ nhất ở việc nới lỏng khai báo và đi lại của người dân thể hiện qua tần suất chuyến bay đang phục hồi mạnh mẽ.
Câu chuyện Trung Quốc mở cửa sẽ tác động tích cực/tiêu cực đan xen nhưng một số ngành nghề sẽ được hưởng lợi lớn. Trước tiên ngành được hưởng lợi "rõ ràng" nhất là du lịch và hàng không.
Trước dịch, Trung Quốc luôn đóng góp lớn nhất trong lượng khách quốc tế đến Việt Nam, sau đó là Hàn, Nhật, Đài. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa lại và câu chuyện nhu cầu "dồn nén" trong giai đoạn lockdown tạo ra tiềm năng tăng trưởng mạnh cho ngành du lịch và hàng không năm 2023.
Về xuất nhập khẩu thì ngành hưởng lợi rõ nhất là xuất khẩu nông sản và hải sản khi nhu cầu tiêu thụ thường "bùng nổ" sau các giai đoạn phong tỏa kéo dài, vốn đã chứng kiến ở các quốc gia mở cửa trước đây, trong đó có Việt Nam.
Các ngành hưởng lợi như phân tích trên là khá vững chắc khi Chính sách tiền tệ mở rộng của Trung Quốc và các gói hỗ trợ về chính sách của Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục sang 2023, theo đó sự bùng nổ nhu cầu được ủng hộ bởi "tiền rẻ".
Theo phát biểu của quan chức cấp cao của Ngân hàng trung ương của nước này, các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế sẽ tiếp tục trong năm 2023, ít nhất là đến hết tháng 03/2023.
Tác động của việc Trung Quốc mở cửa đối với các ngành nghề khác và tổng thể nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán cần đánh giá đa chiều dựa trên bối cảnh quốc tế chung sẽ được chúng tôi cập nhật trong Báo cáo chiến lược 2023 sắp tới.
Tỷ giá tiếp tục ổn định với tỷ giá tiếp tục đà giảm ở thị trường chợ đen cho thấy áp lực "thực tế" của tỷ giá tiếp tục giảm.
Với tỷ giá hạ nhiệt tạo ra dự địa cho Chính sách tiền tệ. Chúng tôi thấy rõ sự cải thiện thanh khoản của hệ thống và các dự địa chính sách lớn hơn.
Thứ 1, NHNN đã cung cấp thanh khoản liên tục cho hệ thống qua kênh thị trưởng mở (OMO) từ cuối tháng 11 và giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dần ổn định.
Trong giai đoạn này, NHNN đang "bơm thanh khoản" khá đều tay để hỗ trợ hệ thống. Đến hết 16/12 tổng số dư NHNN bơm ròng quá OMO là hơn 69k tỷ.
Đặc biệt, trong hơn 69k tỷ này có gần 21k tỷ với kỳ hạn 91 ngày, khác biệt so với kỳ hạn thông thường 7,14,28 ngày. Việc bơm kỳ hạn dài dài cho thấy NHNN đã chủ động hơn trong việc hỗ trợ ổn định thanh khoản hệ thống và hệ thống ngân hàng được hỗ trợ bằng nguồn dài hạn hơn.
Thứ 2, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN trong đó bổ sung các loại giấy tờ có giá vào các nghiệp vụ thị trường tiền tệ có hiệu lực từ 17/01/2023
Trái phiếu chính quyền địa phương
Trái phiếu đặc biệt, trái phiếu VAMC
Trái phiếu do TCTD phát hành (trừ các NHTM đã được mua bắt buộc/kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác
Việc này giúp NHNN có nhiều dư địa hơn để điều hành chính sách và hỗ trợ hệ thống khi cần thiết từ 17/01/2023, giúp các biện pháp hỗ trợ thị trường trong tương lai của NHNN là lớn hơn hiện tại nhiều.
Thứ 3, NHNN thông báo mua USD để tăng dự trữ ngoại hối từ ngày 15/12/2022 với tỷ giá chào mua là 23,450.
Đây là động thái thích hợp khi tỷ giá giảm nhiệt và có dòng tiền vào "inflows" cuối năm, động thái của giúp duy trì và củng cố dự trữ ngoại hối giúp khả năng điều hành tiền tệ của Việt Nam tốt hơn.
Việc NHNN chào mua sẽ set đáy "tỷ giá" tạm thời ở mức 23,450 đồng. Với nguồn "inflows", tỷ giá hạ nhiệt và các ngân hàng đang cần VND để cho vay thì việc NHNN mua USD sẽ tác động tích cực tăng cung tiền VND trong nền kinh tế.
Nếu NHNN có thể mua lượng USD đủ lớn sẽ góp phần lớn cải thiện mức cung tiền tăng thấp từ đầu năm và hệ thống có thêm nguồn vốn cho vay, giảm áp lực LDR và đua huy động vốn.
Với các phân tích trên, FIDT nhận định chính sách tiền tệ đang "thiên hướng" dần sang hỗ trợ nền kinh tế vượt qua các thách thức liên quan đến thanh khoản và "nguồn vốn" cho nền kinh tế với các dự địa chính sách được mở ra. Điều này sẽ tác động tích cực lên thị trường hiện tại và trong thời gian sắp tới, đặc biệt nếu NHNN có thể mua tăng dự trữ "đủ lớn".
Về định giá thị trường
Thị trường chứng khoán như chúng tôi liên tục "lặp lại" trong các nhận định và báo cáo gần đây là tương đối rẻ và xứng đáng cho việc phân bổ đầu tư dài hạn và tích sản. Sau khi phục hồi, thị trường thường trải qua các giai đoạn rung lắc và dần ổn định nếu không có biến cố lớn.
Lưu ý nhà đầu tư
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả. (*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chân thành cảm ơn quý khách hàng! FIDT - Focus on Performance
Comments