Mã cổ phiếu | Loại báo cáo | Ngành | Data liên quan |
PVT | Báo cáo phân tích | Dầu khí | Giá xăng dầu, Xuất nhập khẩu |
Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu PVT do:
Công ty hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ hải trình vận tải dầu khí thay đổi, triển vọng trong trung & dài hạn cũng rất hứa hẹn nhờ kế hoạch phát triển nâng cao năng lực nội tại của công ty.
Công ty có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá đều đặn.
Hoạt động kinh doanh của PVT ít chịu rủi ro khi giá dầu biến động hơn so với các cổ phiếu dòng P khác, nhất là khi giá dầu rất khó dự báo do các yếu tố bất định liên quan đến nguồn cung.
Điểm nhấn đầu tư
1. Ngắn hạn
Nhu cầu tiêu thụ dầu khí đang từng bước phục hồi sau dịch trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Lệnh cấm vận liên quan dầu khí của Nga dẫn đến hải trình vận chuyển dầu khí xa hơn khi Nga cần vận nhiều hơn đến Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Ngược lại EU cũng cần nhập khẩu từ các nước xa hơn.
Giá cước vận tải dầu khí cao hơn, dẫn đến giá thuê tàu cao hơn, giúp cải thiện BLNG (biên lợi nhuận gộp) của PVT.
PVT sẽ thanh lý tàu Athena với trị giá khoảng 100 tỷ đồng vào cuối năm. Việc này sẽ giúp công ty ghi nhận khoản lãi đột biến vào Q4/22.
2. Trung hạn & dài hạn
Kế hoạch trẻ hóa đội tàu kết hợp tăng năng lực vận chuyển sẽ tiếp tục triển khai, song song với việc thanh lý tàu cũ.
PVT khả năng cao sẽ đảm nhận việc trung chuyển khí LNG cho các kho chứa và nhà máy nhiệt điện đang trong kế hoạch phát triển giai đoạn 3-5 năm tới.
Kết quả kinh doanh
Trong Q1/2022 PVT ghi nhận doanh thu 2,021 tỷ (+17.8% svck) và lợi nhuận sau thuế đạt 194.2 tỷ (+11.8% svck), hoàn thành 32.5% kế hoạch doanh thu và 44.9% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó:
Mảng vận tải: Tăng trưởng 22.9% về doanh thu chủ yếu nhờ vận chuyển LPG và hóa chất nhờ sự bổ sung lớn trong đội tàu với 5 tàu hóa chất và 1 tàu VLGC (tàu chở khí hóa lỏng lạnh cỡ đại). Đội tàu đang được thay đổi theo hướng giảm dần các tàu xăng dầu truyền thống (có giá cước biến động) và thay bằng các tàu hóa chất (có giá cước ổn định), giúp tăng trưởng doanh thu và cải thiện BLNG.
Dù vậy, biên lợi nhuận gộp (BLNG) mảng này trong Q1/22 vẫn bị ảnh hưởng từ mảng vận chuyển dầu thô. Cụ thể, tàu PVT Apollo trong thời gian chờ hợp đồng thuê mới đã được huy động chạy giao ngay cho nhà máy Dung Quất, nhưng giá cước còn thấp và chi phí nhiên liệu đầu vào cao đã làm ảnh hưởng tới việc KQKD của mảng vận chuyển dầu khí nói riêng và mảng vận tải nói chung.
Mảng dịch vụ hàng hải dầu khí (FPSO/FSO): Tiếp tục ổn định với doanh thu đạt 196 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 62 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình tài chính
Xét tình hình tài sản của PVT có những điểm nhấn sau:
Tính đến cuối Q1 PVT sở hữu khoản tiền mặt lên tới 3,300 tỷ.
Tỷ trọng nợ vay/ Tổng tài sản đang có xu hướng giảm dần. Các hệ số thanh toán đang khá tốt với tỷ lệ duy trì >1 trong nhiều năm.
Hệ số chi trả lãi vay luôn duy trì ở mức cao thể hiện khả năng quản lý tốt nợ vay.
Kể từ 2018, ROE của PVT bị suy giảm nhẹ do tốc độ gia tăng của vốn chủ nhanh hơn so với tăng trưởng lợi nhuận của công ty, chủ yếu tới từ quỹ đầu tư phát triển và lợi ích dành cho cổ đông không kiểm soát. Dù vậy, chúng tôi đánh giá việc này không ảnh hưởng quá nhiều tới nội tại tài chính của công ty.
Chúng tôi đánh giá PVT có nền tảng tài chính và có khả năng kiểm soát tài chính tốt
Triển vọng kinh doanh
1. Vận tải dầu khí năm 2022
Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu theo sát đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho PVT kể từ 2022 trở đi. Theo như EIA (Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ) dự báo, cung/cầu sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2022, từ đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng tàu chở dầu trên toàn cầu. Theo dự báo của đơn vị này, sản lượng tiêu thụ xăng dầu toàn cầu sẽ đạt mức 99.8 triệu thùng/ngày trong 2022 từ mức 98.3 triệu thùng/ngày của 1 năm trước đó.
Dự báo khả năng sản xuất dầu (Đường xanh) và nhu cầu tiêu thụ dầu (Đường nâu) (Nguồn: EIA)
Ngoài ra, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến các nước phương Tây cấm vận các mặt hàng liên quan đến năng lượng từ Nga và muốn độc lập dần năng lượng khỏi quốc gia này. Hệ quả là lượng dầu thô Nga phải di chuyển đến những khu vực xa hơn như Châu Á, đặt biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Châu Âu trước giờ cũng phụ thuộc năng lượng vào Nga. Vì vậy, để bổ sung vào phần sản lượng đã cấm vận, châu Âu cũng buộc phải nhập khẩu dầu khí từ các quốc gia xa hơn.
Châu Âu buộc tăng nhập khẩu dầu từ Duyên Hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ, Châu Phi và Trung Đông.
Việc này khiến cho nhu cầu sử dụng Tanker để vận chuyển các mặt hàng này qua đường biển tăng lên (thay vì bằng đường ống như trước giờ), khoảng cách vận chuyển cũng vì thế mà tăng lên.
Cùng với nhu cầu vận tải qua đường biển tăng lên, việc cập cảng tại Nga cũng tạo rủi ro cho các chủ tàu, khiến họ yêu cầu mức phí cao hơn. Giá cước Tanker (tàu chở dầu và hóa chất) vì thế mà tăng vọt. Cụ thể, tính đến ngày 19/06/2022:
Giá cước chở thành phẩm (Baltic Clean Index): Tăng 154.2% so với đầu năm
Giá cước chở sản phẩm thô (Baltic Dirty Index): Tăng 66.9% so với đầu năm.
Với đội tàu chủ yếu chở dầu thô và các sản phẩm dầu, PVT sẽ được hưởng lợi tích cực nhờ giá cước vận tải tăng ở các tuyến hoạt động, giúp tăng giá thuê tàu và cải thiện BLNG.
2. Đội tàu mới cải thiện nội tại
a. Bổ sung đội tàu mới
Trong năm nay, PVT dự kiến sẽ chi 3,298 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị và 6 tàu mới. Trong đó có 2 tàu chở dầu thô, 3 tàu chở dầu hóa chất và 1 tàu chở hàng rời với tổng trọng tải dự kiến lên tới 330,000 DWT.
Đội tàu đang được thay đổi theo hướng giảm dần các tàu xăng dầu truyền thống (có giá cước biến động) và thay bằng các tàu hóa chất (có giá cước ổn định và tính đa dụng), giúp tăng trưởng doanh thu và cải thiện BLNG.
Chúng tôi đánh giá kế hoạch đầu tư này sẽ đem lại hiệu quả cao do (1) đội tàu mới được đầu tư với chi phí thấp, có công suất vượt trội và (2) Đội tàu mới giúp PVT đạt đủ tiêu chuẩn để tham gia các tuyến vận tải quốc tế, mở rộng địa bàn kinh doanh.
b. Lợi nhuận đột biến nhờ thanh lý tàu cũ
Chúng tôi kỳ vọng PVT sẽ thanh lý tàu vận chuyển dầu thô PVT Athena vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, đem lại mức lợi nhuận bất thường khoảng 100 tỷ VND.
Trong những năm sau đó, công ty cũng sẽ tiếp tục thanh lý 5 tàu cũ với tổng giá trị lên tới 60 tỷ.
3. Cơ hội từ LNG nhập khẩu
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần xây mới các nhà máy điện sử dụng LNG với tổng công suất 23,900 MW, chiếm 16.4% tổng công suất toàn hệ thống. Theo đó, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG với sản lượng 14-18 tỷ m3 mỗi năm tính tới 2030 và sẽ tăng dần trong tương lai.
Xu hướng nhập khẩu LNG dự kiến sẽ được khởi động qua dự án LNG Thị Vải cuối năm nay, với chủ đầu tư PV GAS là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.
LNG nhập khẩu sẽ dần thay thế nguồn điện khí sử dụng khí nội địa theo quy hoạch điện VIII (Nguồn: Dụ thảo QHĐ8)
Với vị thế đầu ngành và kinh nghiệm vận tải các sản phẩm dầu khí và đặc biệt là mối quan hệ lâu năm với GAS (đối tác vận tải), chúng tôi tin rằng PVT khả năng cao sẽ đảm nhiệm vai trò vận tải LNG cho GAS, từ đó tạo động lực tăng trưởng dài hạn.
(PVT đã bày tỏ ý định đầu tư vào đội tàu để đón đầu xu thế sử dụng LNG nhập khẩu, tuy nhiên chưa có chiến lược cụ thể. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin khi có thông tin chi tiết.)
Các dự án kho chứa LNG trong kế hoạch phát triển (Nguồn: Dự thảo quy hoạch điện VIII, KBSV)
Định giá
Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) để định giá cổ phiếu PVT do có nhiều yếu tố giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của công ty.
Trong kịch bản định giá này:
PVT sẽ tiếp tục đầu tư và nâng tổng số tàu lên 48-50 chiếc cho tới 2025. Tổng trữ lượng sẽ nâng lên gấp đôi so với năm 2020.
Doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm khi đội tàu mới phát huy công suất.
Việc chuyên chở LNG không được đưa vào mô hình định giá do chưa có thông tin cụ thể.
Lưu ý khi đầu tư PVT
PVT ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu hơn các cổ phiếu cùng ngành do hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào giá cước vận tải. Dù vậy nhu cầu sử dụng dầu mỏ trên thế giới vẫn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới PVT thông qua giá cước và giá thuê tàu.
Về độ nhạy định giá: Chúng tôi đưa ra vùng định giá trước những biến động có thể xảy ra về chi phí vốn, mức sinh lợi thị trường yêu cầu, dự phóng khác nhau về triển vọng dài hạn để có cái nhìn toàn diện hơn. Nhà đầu tư có quan điểm thận trọng có thể dùng phân tích này để chọn điểm mua tích sản/dài hạn có lợi thế hơn.
Một số rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến PVT:
Chi phí nguyên vật liệu cho hoạt động kinh doanh (chủ yếu là xăng dầu) chiếm khoảng 18% doanh thu của PVT.
Suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng dầu khí nói chung và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PVT nói riêng.
Tỷ giá USD/VND và lãi suất đồng USD có thể ảnh hưởng tới PVT do công ty thực hiện vay nợ bằng USD qua các ngân hàng quốc tế.
Lưu ý nhà đầu tư
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi có dự phòng và đề cập trong báo cáo cũng như nhận diện về rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả.
(*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách hàng!
FIDT - Focus On Performance
Múc
MP ngay và luôn 😆
Oki ad, để mua dần :)))
Tuyệt quá, múc múc !